Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới

01/01/2024 8:06 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội thực chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với mục tiêu chuyển biến tích cực hơn trong các khâu đột phá, triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược cho sự phát triển, đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.

Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới- Ảnh 1.
Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới- Ảnh 2.
Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới- Ảnh 3.

Thủ đô Hà Nội rực rỡ đón chào năm mới 2024 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ

Đánh giá về năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, với tinh thần quyết liệt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo đột phá trên một số lĩnh vực, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Hà Nội triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ.

Các cấp, các ngành đã quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

"Kết quả là năm 2023, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện và tích cực", Bí thư Thành ủy Hà Nội

Kinh tế - xã hội năm 2023 của Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm.

Quy mô GRDP của Hà Nội năm 2022 là 1.197 nghìn tỷ đồng, tương đương 51,4 tỷ USD); đến năm 2023 là 1.297 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 100 nghìn tỷ đồng), tương đương 54,2 tỷ USD (tăng 2,8 tỷ USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%); chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%...

Triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội của Thành phố đã thực hiện cho vay ưu đãi 405 tỷ đồng đối với hơn 5.800 khách hàng; giảm thuế VAT cho 105 nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 29 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp thuế theo quy định với số tiền hơn 20 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay thương mại theo Nghị định số 31 của Chính phủ với số tiền đạt hơn 123 tỷ đồng…

Đến nay, Thành phố đã cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 7,3 nghìn tỷ đồng để triển khai 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số, miền núi; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2024.

Triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược cho sự phát triển Thủ đô

Còn theo Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2023, Thành phố luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, chú trọng và nỗ lực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, trong đó điểm nổi bật là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô.

"Thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô trong tương lai", Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô, Thành phố đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; Lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi và 2 Quy hoạch nói trên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa. Đồng thời xây dựng thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Với nhận thức đó, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai rất công phu, bài bản: Tổ chức tổng kết, đánh giá và phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo; đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, lịch sử học, nhân sỹ, trí thức và nhân dân Thủ đô; sự tham gia tư vấn của những tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, qua đó đã góp phần hoàn thiện Luật và 2 quy hoạch.

Theo đó, Hà Nội đã phối hợp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 vừa qua, dự thảo Luật Thủ đô đã được các đại biểu đánh giá rất cao; đã có tổng số 117 ý kiến góp ý với tinh thần ủng hộ việc ban hành Luật thủ đô (sửa đổi) với 09 nhóm chính sách lớn, trong đó nhiều đại biểu có ý kiến cần có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội hơn nữa nhằm tạo cơ hội và động lực cho Thủ đô phát triển. Theo kế hoạch, Luật Thủ đô sửa đổi và 02 quy hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2024.

Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027...

Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển công nghiệp văn hóa; Nghị quyết về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu - cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ di tích lịch sử giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo (dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình của 3 lĩnh vực này, gồm 382 công trình cấp thành phố, 623 công trình cấp huyện)...; đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án cải tạo lại chung cư cũ; đề án phân cấp, ủy quyền (đã phân cấp/ủy quyền 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,3%); triển khai các biện pháp xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai...

Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới- Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 4 tháng 12/2023 - Ảnh: VGP

Chú trọng công tác cán bộ, tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính

Công tác chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu, qua đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông thì năm 2023 thành phố Hà Nội đã vượt 16 bậc so với năm 2022.

UBND Thành phố đã ban hành và triển khai Bộ chỉ số CCHC của các Sở, ngành, UBND cấp huyện giai đoạn 2023-2025; chỉ đạo thực hiện đánh giá kết quả công tác CCHC (qua trực tuyến) và tổng hợp, công khai kết quả trên Cổng dịch vụ công. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 08 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 TTHC thuộc các lĩnh vực và đã được công bố công khai. Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC đạt tỷ lệ trên 20%, trong đó bao gồm cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC.

Sau gần 9 tháng đưa vào vận hành đồng bộ trên toàn Thành phố, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố và Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố, cùng với việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong xử lý công việc và báo cáo cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ, qua đó số lượng nhiệm vụ quá hạn đã giảm 10% so với trước khi thành lập Tổ Công tác.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ứng dụng chữ ký số cá nhân; Tại UBND Thành phố, kể từ ngày 10/11/2023, các hồ sơ, văn bản dự thảo trình Ban cán sự đảng UBND Thành phố, Lãnh đạo UBND Thành phố ban hành được thực hiện theo quy trình điện tử gắn với việc sử dụng chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố.

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Thành phố đã thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố, hướng tới mục tiêu "Minh bạch – Công khai – Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính". Trước mắt công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ chỉ cần đến 01 địa điểm hoặc nộp hồ sơ qua mạng để giải quyết các thủ tục hành chính cấp Thành phố với gần 1.400 thủ tục theo nhu cầu, từ đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Năm 2023, công tác cán bộ luôn được xác định là then chốt của then chốt. Với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, ngày 7/8/2023 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn thành phố.

Thành ủy cũng ban hành Đề án tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo; kế hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ các ban, ngành, sở Thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025.

Thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế; Tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 11 đơn vị. Quyết liệt triển khai đổi mới phương thức Quản lý, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động sự nghiệp; đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi đơn vị sự nghiệp công lập.

Hà Nội năm 2024: Kỷ cương, hành động để có bước phát triển mới- Ảnh 5.

Năm 2024, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết 17 Đại hội Đảng bộ Thành phố, năm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2024 là: Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.

Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm; đề cao trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền, thống nhất trong nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo.

Vì vậy, Hà Nội xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Thành phố phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP bình quân đầu người khoảng 160-162 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 10,5-11,5%.

Đồng thời, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Tiếp tục hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, trọng tâm là hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; quyết liệt triển khai các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô.

Gia Huy

Top