Hà Nội: Người bán hàng rong, quà vặt được hỗ trợ 3 triệu đồng
(Chinhphu.vn) - Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có hướng dẫn về các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/2021/NP-CP. Theo đó, nhóm đối tượng bán hàng rong, quà vặt dù không có đăng ký kinh doanh nhưng cũng sẽ được hỗ trợ mức 3 triệu đồng, nhận 1 lần.
Người bán hàng rong, quà vặt được hỗ trợ 3 triệu đồng - Ảnh minh họa |
Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, có đối tượng là hộ kinh doanh.
Theo đó, điều kiện để hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ đã được quy định rõ tại Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Cụ thể, thứ nhất là có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế. Thứ 2 là phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh, theo phương thức chi trả 1 lần.
Để triển khai thực hiện, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và quy định về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định 23, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết ngoài những hộ có đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ còn bao gồm các trường hợp “không phải đăng ký hộ kinh doanh” đối với “những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp” theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 và khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ.
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trước ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn, kể cả hộ kinh doanh lâu năm cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi phải thay đổi cách thức hoạt động liên tục để thích ứng với tình hình mùa dịch hoặc thậm chí phải tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố.
Cục Thuế TP. Hà Nội đã hướng dẫn để các hộ kinh doanh tự xác định có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ để có thể chủ động trong việc hoàn thành thủ tục đề nghị hỗ trợ từ Chính phủ. Đối với trường hợp hàng rong, quà vặt… vì không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh nên việc “không có giấy phép kinh doanh” là do khách quan còn bị ảnh hưởng vì dịch bệnh là có thực nên vẫn nằm trong đối tượng hỗ trợ.
Ngoài ra, với quy định “hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn đây là các hộ kinh doanh mà cơ quan Thuế đang quản lý thuế ở trạng thái đăng ký thuế “00 - NNT đang hoạt động”, đang kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó bao gồm cả các đối tượng là hộ kinh doanh trên địa bàn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 10 Điều 4 Quyết định số 3642/QĐ-UBND. UBND Thành phố giao các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh, tuy nhiên với các chính sách hỗ trợ đồng bộ, kịp thời, công khai, minh bạch, Cục Thuế TP. Hà Nội hy vọng cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn sẽ giảm thiểu bớt được những tác động tiêu cực từ đại dịch, ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Kim Liên