Hà Nội: Nhiều Sở có chức năng quản lý lớn nhưng thiếu quy trình giải quyết công việc nội bộ

05/07/2023 3:22 PM

(Chinhphu.vn) - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã chỉ ra một số Sở có những lĩnh vực quản lý tác động rất lớn đến cải cách hành chính nhưng thiếu các quy trình nội bộ (Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng). Các Sở cho biết sẽ hoàn thành các quy trình này trong năm 2023.

Hà Nội: Nhiều Sở có chức năng quản lý lớn nhưng thiếu quy trình giải quyết công việc nội bộ - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết đang xây dựng các quy trình nội bộ để thay đổi các giấy tờ theo quy định của Bộ TN &MT và Chính phủ - Ảnh: VGP/GH

Nhiều cơ quan chưa ban hành quy trình nội bộ, ảnh hưởng công việc chung

Trong phiên chất vấn ngày 5/7 của HĐND TP. Hà Nội, đối với nhóm vấn đề về công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội chỉ rõ, nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít.

Báo cáo của HĐND TP. Hà Nội chỉ rõ, việc thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung. Việc ban hành quy trình nội bộ của các cơ quan còn hạn chế, thậm chí chưa ban hành quy trình.

Cụ thể, hiện nay, Thành phố đã ban hành Quy trình nội bộ được 485 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%. Chưa ban hành Quy trình nội bộ 132 TTHC, chiếm tỷ lệ 21,4%.

Nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít như: Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành 6 quy trình trên tổng số 95 nhiệm vụ quản lý nhà nước; Sở Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành 10 quy trình trên tổng số hơn 50 nhiệm vụ được giao. Việc thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung, như việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn còn quá chậm.

Hiện nay, còn 60 dự án đã được dự nguồn nhưng chưa trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 135 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa phê duyệt được dự án đầu tư; 14 dự án chuyển tiếp bị kéo dài thời gian triển khai, đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án để tiếp tục thực hiện và giải ngân.

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần còn nhiều hạn chế. Theo chấm điểm chỉ số CCHC năm 2022 thì đối với lĩnh vực cải cách TTHC, Thành phố được 12.24/13 điểm đạt 94.15%, bị giảm 5.76% và tụt 20 bậc so với năm 2021, xếp thứ 24/63 tỉnh, TP.

Đối với lĩnh vực kế hoạch, đầu tư thì tỷ lệ hồ sơ TTHC của cấp sở được giải quyết đúng hạn còn thấp, số lượng hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn còn cao. Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường thì Chỉ số "Tiếp cận đất đai" của TP đạt 6,21 điểm, giảm 9 bậc, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành.

Chỉ số tiếp cận đất đai của Thành phố liên tục giảm và đứng gần cuối bảng xếp hạng, là do thiếu dữ liệu về đất đai, quy hoạch, tính công khai minh bạch không cao nên doanh nghiệp và người dân rất khó tiếp cận.

Khẩn trương hoàn thành các quy trình giải quyết công việc nội bộ

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã nêu một số Sở có những lĩnh vực quản lý tác động rất lớn đến CCHC hiện nay lại đang thiếu các quy trình nội bộ. Cụ thể ở các Sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng. Đại biểu đề nghị Giám đốc các Sở cho biết nguyên nhân của việc chậm trễ, giải pháp cũng như tiến độ để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy trình nội bộ, thực hiện đẩy mạnh CCHC.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, hiện tại, Sở đang thực hiện 108 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 51 thủ tục liên quan đến vấn đề đất đai, 18 thủ tục về tài nguyên môi trường, 16 thủ tục về môi trường và 13 thủ tục về khoáng sản. Sở đã tham mưu, báo cáo và UBND Thành phố đã ban hành 6 quyết định để phê duyệt các thủ tục này.

Trên cơ sở này, Sở đã thực hiện phê duyệt 89/108 thủ tục. Với 19 thủ tục còn lại, Sở đang xây dựng các quy trình nội bộ để thay đổi các giấy tờ theo quy định của Bộ TN &MT và Chính phủ. Sở sẽ báo cáo về việc thực hiện phê duyệt 19 thủ tục này trong quý 3/2023.

Còn Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, ngoài các TTHC của các cơ quan hành chính, Sở đã khẩn trương ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện với 56 nhóm TTHC đảm bảo các quy định. Đối với các quy trình nội bộ và quy trình giải quyết TTHC nội bộ, theo báo cáo của Đoàn giám sát của HĐND , Sở Xây dựng còn một số nhiệm vụ, đến nay Sở đang tiếp tục rà soát để ban hành.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, ngay sau cuộc làm việc với Đoàn giám sát, Sở đã nhận thức được việc phải tiếp tục rà soát, khẩn trương ban hành quy trình. Đến nay, Sở đã ban hành được thêm 2 quy trình nội bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ.

"Ngoài ra năm 2023, Sở sẽ rà soát, ban hành nốt các TTHC liên quan đến quy trình của Sở. Chúng tôi cam kết sẽ khẩn trương hoàn thành", ông Võ Nguyên Phong nói.

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, về xây dựng quy trình nội bộ và TTHC nội bộ, qua rà soát còn nhiều quy trình nội bộ trong nội bộ Sở liên thông với các ngành, thành phố như đầu tư công, liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách, chấm dứt dừng hoạt động các dự án, quy trình rà soát dự án chậm muộn... Sở KH&ĐT đã họp và đưa ra đầu danh mục cho các phòng ban của Sở chịu trách nhiệm thực hiện.

Sở sẽ cố gắng để việc cải cách TTHC, cải cách quy trình nội bộ cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Ông Lê Anh Quân cho biết, trong lộ trình, các việc sẽ chia làm 2 bước. Bước thứ nhất, trong quý 3/2023, những vấn đề bức xúc, cần xử lý sẽ làm đầu tiên, trong đó có quy trình nội bộ của Sở. Thứ hai, Sở sẽ tiếp tục liên thông với các Sở, ngành, báo cáo TP phê duyệt quy trình nội bộ cấp Thành phố để đưa sang bộ phận một cửa, đảm bảo minh bạch trong thời gian tới.

Gia Huy

Top