Hà Nội: Nhiều tuyến đường mật độ giao thông vượt 8 lần thiết kế

19/01/2024 4:03 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều tuyến đường tại Hà Nội vượt 8 lần thiết kế như: Vành Đai 3 trên cao, cầu Chương Dương, đoạn qua cầu Thanh trì; đường Nguyễn Trãi vượt 3,3-5,6 lần vào giờ cao điểm… Vì vậy, Hà Nội đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản và lâu dài để giảm mật độ giao thông.

Hà Nội: Nhiều tuyến đường mật độ giao thông vượt 8 lần thiết kế- Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội chiều 19/1, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo đã làm rõ về tình trạng điểm đen, ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, trong những năm qua, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Làm rõ bức tranh toàn cảnh về giao thông, ông Bảo cho biết, dân số của Hà Nội là gần 10 triệu người. Bên cạnh đó, Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, bao gồm: 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.

"Có thể thấy số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội là rất lớn đè lên hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục", Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói.

Đại diện Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phân tích thêm, tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt 12-13% trong khi đó theo quy hoạch ít nhất phải đạt 20-26%; giao thông tĩnh chưa đạt 1% so với quy hoạch là phải đạt 3-4%.

Từ đó dẫn đến các các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt 8 lần thiết kế như tại đường Vành Đai 3 trên cao, cầu Chương Dương, đoạn qua cầu Thanh trì; các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt 3,3-5,6 lần vào giờ cao điểm; đường Tố Hữu, Lê Văn Lương vướt 1,6-1,7 lần.

"Từ nay đến Tất âm lịch ùn tắc giao thông dự báo sẽ còn diễn biến khó lường nữa do cả người dân tỉnh thành khác đổ về Thủ đô", Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định.

Bện cạnh đó, Thành phố triển khai nhiều công trình trọng điểm dẫn đến rào chắn tuyến đường làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường; ngoài ra, ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao, "đi điền vào chỗ trống" là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn còn tồn tại kéo dài.

Về giải pháp cụ thể, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, vừa qua, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch và Thành phố đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản và lâu dài. Đó là tăng cường vận tải hành khách công cộng giảm thiểu phương tiện cá nhân; tăng cường công tác giao thông khoa học hơp lý để phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin hạ tầng gia thông cho linh hoạt; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông cho người dân và song song đó là tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen đi lại cho người dân.

Về nhiệm vụ trước mắt, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp với Công an Thành phố phối hợp với 4 tổ công tác rà soát toàn bộ tình trạng giao thông Thành phố vào thứ 5 hằng tuần, bất kỳ có sự cố nào được phản ánh đều xử lý ngay.

Các đơn vị liên ngành đã báo cáo UBND Thành phố hiện nay còn 324 điểm cần bố trí lực lượng hướng dẫn điều hành giao thông để giảm thiểu ùn tắc từ nay đến Tết. Sở cũng đã báo cáo UBND Thành phố trình ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Thanh tra giao thông, Công an thành phố, lực lượng các quận, huyện, thị xã… phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng đang tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mô phỏng để tổ chức lại giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.

Gia Huy

Top