Hà Nội nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

19/09/2024 11:29 AM

(Chinhphu.vn) - Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, tiếp nhận thủ tục hành chính “phi địa giới”, giải quyết thủ tục hành chính 24/7… là những nỗ lực Hà Nội thực hiện để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Hà Nội nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp- Ảnh 1.

Hà Nội hướng tới giải quyết TTHC thuận lợi cho người dân - Ảnh: UBND phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Sau thời gian thí điểm, từ ngày 5/9, quận Hai Bà Trưng triển khai mô hình "Phục vụ người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà". Việc triển khai mô hình của quận càng ý nghĩa khi vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Mô hình được triển khai đồng loạt tại bộ phận "một cửa" của UBND quận và toàn bộ 18 phường trên địa bàn. Theo đó, người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà.

Mỗi cá nhân được phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại nhà đều nhận được tờ Thông báo của UBND quận. Mỗi phường lập 1 nhóm Zalo để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị.

Trong thời gian thí điểm, phường Thanh Nhàn của quận có gần 400 người thuộc đối tượng trợ cấp an sinh xã hội và hơn 1.000 người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cùng gần 200 người già yếu, hạn chế khả năng vận động đã thí điểm tổ chức phối hợp xử lý, giải quyết và chứng thực chữ ký/điểm chỉ tại nhà và chuyển cơ quan chức năng giải quyết chế độ kịp thời.

Để triển khai mô hình này, mỗi phường sử dụng Tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn viên thanh niên, cảnh sát khu vực làm lực lượng nòng cốt, đến tận nhà hỗ trợ người dân. Nếu trước đây chỉ hỗ trợ người yếu thế giải quyết tại nhà với một số thủ tục hành chính thì nay thực hiện với 100% thủ tục được công khai tại bộ phận một cửa.

Mục tiêu quan trọng của quận Hai Bà Trưng là tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại.

Còn tại phường phố Huế đã triển khai mô hình "Một TTHC - hai kết quả", công dân khi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính để nhận kết quả thủ tục hành chính bản giấy, công dân sẽ được nhận thêm 1 bản sao chứng thực điện tử miễn phí từ bản chính được gửi về tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia cá nhân của công dân.

Với mô hình sáng kiến này góp phần số hóa các kết quả giải quyết các thủ tục hành chính, thuận lợi hơn trong việc lưu trữ và tra cứu hồ sơ. Hơn nữa việc đẩy mạnh triển khai áp dụng các giấy tờ hộ tịch được chứng thực điện tử có hiệu quả còn đảm bảo được an toàn tin cậy cho các giao dịch điện tử, các thủ tục hành chính phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành, tác nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với huyện Thường Tín, năm 2024, huyện phấn đấu tăng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước. Năm 2023, huyện thì Thường Tín đạt 99,96% điểm chỉ số SIPAS, chỉ đứng sau quận Nam Từ Liêm 99,99%... 

Kết quả này là do huyện đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, sáng kiến hay về cải cách hành chính như: Mô hình "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC" xã Hồng Vân; triển khai Hòm thư góp ý thông minh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân; ban hành Cẩm nang hướng dẫn TTHC phiên bản đơn giản" xã Ninh Sở; mô hình Camera hạnh phúc xã Văn Tự...

Huyện Thường Tín tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị, các xã trên địa bàn huyện nội dung giải quyết TTHC, thực thi công vụ… Qua đó, phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế của các xã, cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: Việc xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung của công tác cải CCHC chưa đầy đủ hoặc có một số văn bản ban hành chậm so với yêu cầu; ông chức làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa sử dụng thường xuyên và cập nhật kịp thời trên phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Từ việc kiểm tra thường xuyên, huyện khắc phục các tồn tại; giúp nhiều đơn vị sau khi được chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời khắc phục dứt điểm tồn tại; nhiều địa phương sau đó còn phát huy được tính sáng tạo có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hướng tới giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Vì lợi ích thực chất cho người dân trong quá trình cải cách hành chính là chủ trương TP. Hà Nội hướng tới trong thời gian qua. Theo đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội hiện đi đầu xây dựng đề án và chuẩn bị thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố.

Với định hướng cải tiến toàn diện, khi Hà Nội triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh và không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Mục tiêu TP. Hà Nội đặt ra khi vận hành Trung tâm này là tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 05 km, hỗ trợ TTHC 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không qua 15 phút/01 hồ sơ.

Dự kiến đặt trụ sở điều hành chính của Trung tâm tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa, trả kết quả TTHC được thực hiện phân tán tại 30 chi nhánh (là bộ phận 1 cửa của 30 quận, huyện, thị xã), không thực hiện việc tiếp nhận tại trụ sở điều hành chính; các điểm tiếp nhận bố trí linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và mật độ dân cư; đẩy mạnh, hướng tới chủ yếu là giao dịch trực tuyến, hình thành 01 Trung tâm Phục vụ hành chính công trên không gian mạng.

Trong Tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội để xem xét, thông qua vào kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9, UBND Thành phố nhấn mạnh, đề án lấy công nghệ thông tin là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới, triển khai thực hiện "mô hình một cửa, một cửa liên thông mới".

Toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Đối với doanh nghiệp, khi triển khai thí điểm Trung tâm này sẽ giảm chi phí thời gian. Doanh nghiệp có thể thực hiện các TTHC liên quan đến việc thành lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Việc giảm thiểu thời gian và công sức trong thực hiện TTHC sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến từ ngày 01/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025, Hà Nội đổi mới mô hình tổ chức của Trung tâm phục vụ hành chính công là đầu mối tiếp nhận và giải quyết TTHC hiện đại, chuyên nghiệp, thống nhất; nâng cao năng lực phục vụ, chất lượng dịch vụ và hiệu quả, minh bạch trong hoạt động của Trung tâm.

Thời gian này sẽ mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động; bắt đầu thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng khả năng tiếp cận, khai thác dịch vụ công cho người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Thành phố xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan và là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm TTHC, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp.

Gia Huy

Top