Hà Nội phân cấp quản lý để sử dụng hiệu quả tài sản công

20/05/2024 2:56 PM

(Chinhphu.vn) - Việc TP. Hà Nội quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp đối với UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố trong quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Hà Nội phân cấp quản lý để sử dụng hiệu quả tài sản công- Ảnh 1.

Các lĩnh vực phân cấp bao gồm: Mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài công... - Ảnh minh họa: VGP

Năm 2023, HĐND TP. Hà Nội ban hành Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công, từ đó triển khai nghiên cứu thực trạng, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; hạn chế thất thoát, lãng phí, phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, việc triển khai Đề án nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Từ việc triển khai Đề án hệ thống đầy đủ, cơ bản đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp để xử lý, khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.

Đến tháng 3/2024, về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công của Thành phố bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, thể hiện từ những kết quả nổi bật, tích cực. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất từng bước được quan tâm, phù hợp tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả.

Đến hết năm 2023, UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất. Số lượng nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố được phê duyệt phương án sắp xếp lần đầu đạt tỷ lệ cao. Trong số trên 6.760 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp, có trên 6.000 cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý, đạt 89%.

Thành phố đã điều chuyển và tiếp nhận trên 17.480 m2 đất và trên 11.885 m2 nhà giữa các cơ quan, với nguyên giá hơn 64,8 tỷ đồng, giá trị còn lại là hơn 38,6 tỷ đồng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất.

Sau khi Đề án được triển khai, Thành phố đã thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...); thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định.

Sở Tài chính đã ban hành quyết định thanh lý trên 13.236 m2 nhà, vật kiến trúc, với tổng nguyên giá hơn 26,8 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 2,2 tỷ đồng, phục vụ công tác phá dỡ, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác xây dựng, cải tạo lại trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp tại các cơ quan, đơn vị.

Đến cuối tháng 2/2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, thành phố đã phê duyệt 151 xe ô tô công cho các đơn vị trực thuộc thành phố. Sở Tài chính đã ban hành quyết định thanh lý 76 xe ô tô, với tổng nguyên giá hơn 33,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, quản lý, sử dụng xe ô tô và khai thác tài sản công tại cơ quan, đơn vị vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn nhiều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự qua n tâm đến hoàn thiện, quản lý hồ sơ về nhà, đất; công tác rà soát, kê khai, báo cáo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa được quan tâm đúng mức nên chất lượng và tiến độ kê khai không đảm bảo, phải rà soát, hoàn thiện nhiều lần, mất nhiều thời gian.

Quản lý hiệu quả hơn nữa qua phân cấp quản lý tài sản công

Nhằm quản lý hiệu quả hơn nữa, tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội tháng 5/2024 vừa tổ chức, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý.

Các lĩnh vực phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội bao gồm: Mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, hủy hoại và các hình thức xử lý tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công được giao cho Chủ tịch UBND Thành phố quyết định thu hồi tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất; xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố trong các trường hợp phải thu hồi theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Nghị quyết này nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp đối với UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc TP. Hà Nội trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công của Hà Nội nhằm bảo đảm quy định rõ thẩm quyền, rõ đối tượng, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan. Tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch.

Hàng năm, UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện báo cáo HĐND cùng cấp về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của cấp mình theo quy định.

Gia Huy

Top