Hà Nội phấn đấu chỉ số cải cách hành chính nằm trong top 10 cả nước

14/03/2022 3:37 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều giải pháp đang được các sở, ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện để phấn đấu năm 2022 Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) nằm trong tốp 10 đứng đầu cả nước, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc so với năm 2021.

Hà Nội phấn đấu chỉ số cải cách hành chính nằm trong top 10 cả nước - Ảnh 1.

Các đoàn kiểm tra công vụ được Hà Nội tăng trường trong năm 2022. Ảnh: VGP/Gia Huy

Kiểm tra công vụ được tăng cường trong năm 2022

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, ngay từ đầu năm 2022, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2022, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, chỉ tiêu nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2022.

Hà Nội phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) nằm trong tốp 10 đứng đầu cả nước, Chỉ số Đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) đạt tối thiểu 86%, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 05 bậc so với năm 2021. Để đạt được các chỉ tiêu này, Sở Nội vụ đã tham mưu Thành phố quyết định thành lập Tổ công tác Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số Hài lòng (SIPAS) giai đoạn 2021-2025.

Theo bà Vũ Thu Hà, ngay trong tháng 3/2022, các sở, ngành, địa phương cần ban hành, tổ chức triển khai ngay kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính, công vụ năm 2022 của cơ quan, đơn vị gắn với nội dung kiểm tra việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của Thành phố tại cơ quan và đơn vị trực thuộc; việc thực hiện các Bộ quy tắc ứng xử của CBCCVC; việc công bố, công khai minh bạch các quy định hành chính, quy trình giải quyết TTHC; việc xử lý, giải quyết và phản hồi các kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến TTHC; việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tại quận Ba Đình, kế hoạch yêu cầu nâng cao mức hài lòng của cá nhân, tổ chức với việc giải quyết TTHC trên địa bàn; tăng trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung vào trách nhiệm công khai TTHC, giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức và xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân trong các khâu giải quyết TTHC.

Quận Cầu Giấy đang đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được, hạn chế, nguyên nhân và những vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về cải cách hành chính để điều chỉnh. Kết quả kiểm tra cải cách hành chính là căn cứ trong xác định chỉ số cải cách của các phòng chuyên môn và các phường năm 2022.

Các hoạt động kiểm tra được quận tăng cường để tiếp tục ngăn ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân và cán bộ vi phạm chính sách, pháp luật, kỷ cương hành chính, gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, sách nhiễu, ứng xử thiếu văn hóa trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với tổ chức, công dân, đồng thời biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt, có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị xũng xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ; đặc biệt là cán bộ trực tiếp tiếp công dân, thụ lý giải quyết các TTHC; kỹ năng tương tác, trả lời các phản ánh, kiến nghị, giải đáp thắc mắc của người dân.

Chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân

Để tiếp tục cải thiện các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022, Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Giải pháp đầu tiên là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng thông tin tuyên truyền trực tuyến, các mô hình hay, sáng kiến trong hoạt động quản lý điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai là triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các TTHC; xây dựng, công bố, công khai các quy chế/quy trình liên thông TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng - Đô thị, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư.

Thành phố sẽ chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư.

Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp của Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện các Kế hoạch, giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của Thành phố và đơn vị; chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Cũng theo bà Vũ Thu Hà, ngay trong tháng 03/2022, Tổ Công tác sẽ họp để xem xét, cho ý kiến và kiểm điểm tiến độ các nhiệm vụ, đề án Thành phố giao các cơ quan, đơn vị. Rà soát, phân loại, kiểm đếm số lượng và tổng hợp khối lượng kết quả giải quyết TTHC để chuẩn bị bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ TTHC. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, mô hình, sáng kiến nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng, chất lượng phục vụ nhân dân tại cơ quan, đơn vị; đề xuất nhân rộng, áp dụng trong toàn Thành phố.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ quy định về công khai, minh bạch các nội dung thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương (danh mục và quy trình giải quyết TTHC; dự toán và quyết toán ngân sách cấp xã; Kế hoạch đầu tư, xây dựng, tu sửa các công trình công cộng trên địa bàn khu dân cư; các khoản quỹ, đóng góp tự nguyện…).

Thành phố đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong giải quyết những vướng mắc của người dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân góp ý, tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.

Việc làm tốt kế hoạch cải cách hành chính tại mỗi sở, ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố sẽ góp phần cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính của Hà Nội năm 2022.

Gia Huy

Top