Hà Nội phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95%
(Chinhphu.vn) - Chiều 26/6, tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024 của UBND thành phố Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất bằng năm 2023 (hơn 95%).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, lũy kế đến ngày 15/6, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17.175 tỷ đồng (đạt 21,2% kế hoạch). Trong đó, đã chi cho các nội dung liên quan đến hoàn trả vốn ứng thanh toán linh hoạt bổ sung ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ địa phương bạn (1.597 tỷ đồng) đạt 18,5% kế hoạch; vốn phân bổ thực hiện các dự án đầu tư công cấp thành phố đạt 5.110 tỷ đồng (đạt 19,6% kế hoạch) và vốn ngân sách thành phố thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các huyện, thị xã đạt 1.864 tỷ đồng (đạt 16,6% kế hoạch); ngân sách cấp huyện giải ngân đạt 8.303 tỷ đồng (đạt 25,1% kế hoạch).
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với các con số nêu trên, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội là tương đối thấp và có một số khó khăn, vướng mắc (song vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái). Đơn cử như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá, người dân còn chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư. Đây là một khó khăn đã kéo dài nhiều năm song đến nay chưa được giải quyết triệt để.
Tới đây, căn cứ vào Luật Đất đai có hiệu lực, UBND Thành phố sẽ nghiên cứu và đưa ra các cơ chế liên quan đến giải phóng mặt bằng làm sao để dung hòa giữa lợi ích của Nhà nước khi đầu tư các công trình đầu tư công cũng như bảo đảm lợi ích của người dân khi bị tác động bởi việc giải phóng mặt bằng và quan trọng nhất là câu chuyện nơi ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.
Thông tin khó khăn tiếp theo không chỉ ở Hà Nội mà toàn quốc, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm sử dụng khối lượng nguyên vật liệu rất lớn, trong đó có nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Trong năm 2024, rất nhiều dự án lớn Thành phố đang triển khai, như đường Vành đai 4, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình…
Tiếp theo là các dự án sử dụng vốn ODA gặp rất nhiều khó khăn (dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo hiện đang tiếp tục thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án vẫn chưa xong) và cũng ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, khó khăn còn liên quan đến thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Giải thích thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, năm 2023, tổng vốn Thành phố giao và giải ngân, số tròn là 51.064 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch trung ương giao và 95,5% vốn HĐND thành phố giao). Tuy vậy, năm 2024, Trung ương giao cao hơn, theo đó Hà Nội được giao 81.000 tỷ đồng (tăng khoảng 30.000 tỷ đồng), song số giải ngân là 21,2% cao hơn so với cùng kỳ, có nghĩa là ngoài việc cao hơn lũy kế cơ học thì phải chịu phần tăng 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, không phải là Hà Nội giải ngân thấp và năm nay Thành phố đặt ra kế hoạch phấn đấu ít nhất bằng năm 2023 (hơn 95%). "Nói con số 21,2% nhưng mẫu số tăng cao (thêm 30.000 tỷ đồng), đặc biệt trong 6 tháng đầu năm để đạt tỷ lệ này thật sự đáng khích lệ. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã hình thành 5 chuyên đề để tập trung giải ngân vốn đầu tư công và năm 2024 xác định là năm rất quan trọng để hoàn thành vốn đầu tư công này", ông Trương Việt Dũng nói.
Bích Phương