Hà Nội: Phát huy thuận lợi để thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06

13/05/2024 1:44 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã nỗ lực phát huy những điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Năm 2024, Hà Nội xung phong thí điểm 17 mô hình như: Triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; Học bạ số, thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh…

Hà Nội: Phát huy thuận lợi để thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06- Ảnh 1.

Một điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: VGP/BP

Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian qua Thành phố đã nỗ lực phát huy những điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Đến nay, việc triển khai đã đạt một số kết quả nhất định trong công tác Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tiếp tục là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ giao triển khai thí điểm một số nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

Trong năm 2024, ngoài các nhiệm vụ chung được giao, Hà Nội đã xung phong thí điểm 17 mô hình thúc đẩy Đề án 06 như: Triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; triển khai thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh; triển khai học bạ số; thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử; Triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID…

Thí điểm sổ sức khỏe điện tử, học bạ điện tử

Để triển khai nhiệm vụ này, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết với các nhiệm vụ, lộ trình triển khai và các bước thực hiện, hướng tới mục tiêu thay thế sổ khám chữa bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy; ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe với mạng số liệu chuyên dùng; hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số lượng hồ sơ đã đẩy thành công lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là trên 2 triệu hồ sơ để đồng bộ đầy đủ 48 trường thông tin theo Quyết định 4026 của Bộ Y tế và sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID.

Triển khai Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện, đến nay, tại bệnh viện Xanh pôn đặt 5 Kiosk; bệnh viên Đống Đa đặt 11 Kiosk. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.600 lượt tiếp đón qua Kiosk. Hiện đang tiếp tục triển khai Kiosk tại bệnh viện Hòe Nhai và bệnh viện Ba Vì.

Việc triển khai Học bạ số trước mắt thực hiện thí điểm 100% cơ sở giáo dục tiểu học (lớp 1, 2, 3, 4), tiến tới mở rộng ở cấp THCS (lớp 6, 7, 8) và cấp THPT (lớp 10, 11) tại 100% cơ sở giáo dục phổ thông. Sở GD&ĐT Hà Nội hiện đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai Học bạ số các trường phổ thông.

Nhiệm vụ này đến nay đã triển khai chức năng ký số của phần mềm quản lý học bạ số cấp tiểu học; hoàn thiện phần mềm học bạ số trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo. Đã có trên 86,5% giáo viên, nhân viên cấp tiểu học đã được trang bị chữ ký số.

Triển khai thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh

Hà Nội đã bắt đầu triển khai ứng dụng giải pháp để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc ứng dụng công nghệ để phục vụ hoạt động trông giữ xe nhằm tạo sự minh bạch, chống thất thu đồng thời tăng khả năng quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Giai đoạn đầu, việc thí điểm sẽ được triển khai tại 8 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố. Trong đó, với ô tô sẽ thực hiện trên phố Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; với xe máy sẽ thực hiện trên phố Bà Triệu, tại điểm trông xe trước Bệnh viện Mắt Trung ương.

Khi triển khai thực hiện, các điểm này sẽ được trang bị các cột có camera nhận diện biển số xe, mã QR thanh toán tự động, cửa hoặc thanh đóng mở bằng barie ra vào.

Kết quả ban đầu được UBND TP. Hà Nội cho biết, tỷ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy; gần 70% đối với ô tô. Thời gian thí điểm đến hết ngày 30/7/2024; sau thí điểm Thành phố sẽ tổ chức đánh giá nhân rộng toàn địa bàn.

Chống thất thu thuế, thất thu ngân sách

Về thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, hiện nay, Hà Nội có trên 210.000 hộ kinh doanh có trạng thái đang hoạt động. Số nộp ngân sách nhà nước khu vực hộ kinh doanh từ tháng 01/2024 đến tháng 4/2024 đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn Hà Nội có trên 6.000 cơ sở kinh doanh đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và được chấp nhận. Trong đó, có trên 2.360 cơ sở kinh doanh nhóm ngành lĩnh vực ăn uống, nhà hàng. Số lượng hóa đơn đã xuất là trên 15 triệu hóa đơn.

Cục Thuế Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống. Mục tiêu năm 2024 bổ sung thêm trên 2.990 cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai. Hiện Cục Thuế đang tham mưu văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024 trên địa bàn Thành phố.

Cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Từ ngày 22/4/2024, Thành phố bắt đầu triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Kết quả từ 22/4 đến 07/5/2024 cho thấy, Thành phố thực hiện tiếp nhận trên 2.230 hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneiD, tổng số hồ sơ đã trả kết quả điện tử về VNeID là 133 Hồ sơ.

Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID được thực hiện với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; tính chính xác, kịp thời và bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính, đây là điều mà cả chính quyền và người dân đều hưởng ứng, ủng hộ.

Triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch, đến nay có 14/30 quận, huyện đã hoàn thành việc số hóa Sổ hộ tịch với tổng số trên 3,8 triệu trường hợp (Nam Từ Liêm; Hai Bà Trưng; Ba Đình; Hoàn Kiếm; Ứng Hòa; Bắc Từ Liêm; Ba Vì; Phúc Thọ; Phú Xuyên; Thanh Oai; Gia Lâm; Quốc Oai; Sơn Tây; Long Biên).

Nhằm ứng dụng, khai thác dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, Thành phố đang đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cho phép thực hiện sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử sau khi đã được đối soát, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thí điểm việc triển khai các thủ tục hành chính không phục thuộc địa giới hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Thành phố cũng đang triển khai dự án Xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của Thành phố Hà Nội. Cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cấp phần mềm phục vụ Dự án hồ sơ địa chính.

Theo UBND TP. Hà Nội, Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu, xung phong đăng ký thí điểm thêm 2 mô hình nhằm tiếp tục thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ: Triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn Thành phố; triển khai quy trình điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai giữa cơ quan công chứng - Văn phòng đăng ký đất đai - Thuế.

Gia Huy

Top