Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị

10/10/2020 10:31 AM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, nhất là sau khi quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội đã và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng.

Cầu vượt hồ Linh Đàm và lối lên đường trên cao vành đai 3. Ảnh: Tuấn Trần

Với các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, Hà Nội tiếp tục quan tâm, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện, đến năm 2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của Thành phố đều tăng, ước đạt lần lượt là 10,05% và 20,05%.

Năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành như: Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên…).

Chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 cũng vừa mới khởi công

Nhờ đầu tư cho hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 41 điểm (năm 2015) xuống còn 34 điểm (tháng 3-2020). Tại khu vực cửa ngõ Thủ đô, nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng đang và được đầu tư xây dựng.

Thực tế, với số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn rất lớn trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới tăng ở mức 0,3%/năm, nên hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô vẫn đang bị quá tải. Do vậy, Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của Thành phố theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.

Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Tuấn Trần

Theo Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong 5 năm tới, kết cấu hạ tầng giao thông mà Hà Nội tập trung giải quyết là đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như: QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B; các trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai như vành đai 3,5, đường vành đai 4, vành đai 5; một số cầu vượt sông như cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)…

Trong đó, tuyến vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực vành đai 4 theo quy hoạch (là các đầu mối giao thông quan trọng vận chuyển hành khách kết nối khu vực đô thị trung tâm với các địa phương và tỉnh thành trong cả nước).

Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội);

Đường bộ trên cao đoạn Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng. Ảnh: Tuấn Trần

Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 4 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo (do Thành phố đầu tư); Tuyến số 1 Yên viên - Ngọc Hồi (Bộ Giao thông vận tải đầu tư); tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước. Giao thông không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt TP. Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Minh Anh – Tuấn Trần

Top