Hà Nội quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

22/04/2025 12:46 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương về xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời nêu cao trách nhiệm, quyết tâm của chính quyền các cấp, trước hết là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc triển khai thực hiện.

Hà Nội quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến còn 126 xã, phường sau sắp xếp - Ảnh: VGP/GH

Tinh gọn để hiệu quả - bước tiến dài trong cải cách

TP. Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy tổ chức bộ máy nhà nước. Không còn dừng ở việc quản lý hành chính theo lối mòn, cứng nhắc, mô hình tổ chức mới sẽ hướng đến tinh thần "chính quyền phục vụ" - chủ động kiến tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, linh hoạt trong điều hành và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Triển khai chỉ đạo của Trung ương, hiện nay, TP. Hà Nội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố.

TP. Hà Nội hiện có 526 xã, phường, theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến nhân dân, Hà Nội dự kiến còn 126 xã, phường sau sắp xếp.

Theo kế hoạch, đế nay, các quận, huyện, thị xã lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn mà hộ gia đình cư trú, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn gửi đến UBND quận, huyện, thị xã.

Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân được các quận, huyện, thị xã thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định với tỷ lệ đồng ý cao: Hơn 99% cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai nhất trí với phương án đơn vị hành chính mới; Hơn 97% người dân quận Hà Đông đồng ý phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; hơn 98% người dân huyện Phúc Thọ bỏ phiếu đồng ý…

Căn cứ kết quả lấy ý kiến cử tri; kết quả kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện; UBND Thành phố tổng hợp kết quả, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện phương án, Đề án và hồ sơ có liên quan. UBND Thành phố tổng hợp, báo cáo Đảng ủy UBND Thành phố xem xét trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp cơ sở mới. UBND Thành phố hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cơ sở mới. Hoàn thành trong ngày 29/4/2025, sau đó, UBND Thành phố tổng hợp, hoàn thiện Đề án và hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Hà Nội quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 3.

Quận Ba Đình dự kiến có 3 phường: Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Tăng cường sự đồng thuận xã hội - Chìa khóa thành công

Với tinh thần nghiêm túc, chủ động và quyết liệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 313-KH/TU do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong ký, nhằm tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Kết luận số 137-KL/TW trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị Thủ đô.

Qua đó, từng bước tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hà Nội sẽ triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt theo 3 giai đoạn, từ nay đến 30/6/2025: Tập trung phổ biến nội dung cơ bản của Kết luận 137-KL/TW, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về sự cần thiết, mục tiêu và yêu cầu của việc tổ chức lại đơn vị hành chính.

Từ 1/7 đến 30/9/2025: Đẩy mạnh truyền thông, giải thích rõ ràng đến người dân những thay đổi sắp tới, tạo sự đồng thuận xã hội, làm nền tảng cho triển khai thực hiện.

Từ sau 1/10/2025: Tập trung tuyên truyền kết quả bước đầu, mô hình điểm, nhân rộng điển hình và tiếp tục củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân với quá trình cải cách.

Thành phố đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai Đề án. Việc tuyên truyền không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo, mà cần trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đang tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, để xác định các địa bàn có đủ điều kiện thực hiện sắp xếp. Trong giai đoạn trước, Thủ đô đã thực hiện hợp nhất một số đơn vị hành chính như xã, phường có quy mô dân số thấp hoặc không đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, lần cải cách này mang tầm vóc lớn hơn, toàn diện hơn và có định hướng chiến lược rõ ràng.

Mục tiêu không chỉ là giảm số lượng đơn vị hành chính, mà còn là nâng cao chất lượng quản trị, hiệu suất làm việc, giảm trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao năng lực thực thi chính sách ở cơ sở.

Ngoài ra, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng sẽ gắn chặt với lộ trình chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Mô hình chính quyền 2 cấp (thành phố – quận/huyện và xã/phường/thị trấn) sẽ phù hợp với đặc thù đô thị lớn, nơi cần xử lý nhanh, hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh trong đời sống dân cư đô thị.

Một trong những yếu tố then chốt để việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính thành công là sự đồng thuận của người dân. Hà Nội xác định công tác tuyên truyền, định hướng dư luận là nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt quá trình tổ chức thực hiện. Sự thay đổi địa giới hành chính, tên gọi đơn vị, thay đổi vị trí công tác của cán bộ, có thể tác động đến tâm lý và sinh hoạt của người dân, vì vậy cần lắng nghe, đối thoại và giải thích cặn kẽ.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ làm rõ những lợi ích thiết thực mà người dân có thể thấy được: giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, cán bộ gần dân hơn, các dịch vụ công tiện lợi, hiện đại hơn… Từ đó khơi dậy niềm tin và sự ủng hộ tích cực trong toàn dân.

Việc tiếp tục triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là trong chính quyền địa phương, là một quyết sách chiến lược chưa từng có. Đó là sự khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước.

Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Hà Nội không chỉ là địa phương thực hiện mà còn là hình mẫu, dẫn dắt trong triển khai các mô hình cải cách hành chính mới. Những kết quả đạt được từ quá trình này sẽ không chỉ có ý nghĩa với riêng Thủ đô mà còn góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới ra cả nước.

Gia Huy

Top