Hà Nội quyết tâm cao chuyển đổi số vì lợi ích người dân và doanh nghiệp

24/01/2023 8:17 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2022, công cuộc chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được lan toả sâu rộng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Cùng với các tỉnh, thành phố, Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động cụ thể hoá chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Nỗ lực trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số - Ảnh 1.

Việc khai thuế điện tử trên địa bàn Thành phố đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Ảnh: VGP/Minh Anh

99,5% doanh nghiệp Hà Nội khai thuế qua mạng

Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại.

Tại Hà Nội, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã đạt những kết quả khả quan, bước đầu mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Thành ủy, UBND Thành phố rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Vì vậy, ngành Thông tin và Truyền thông cũng như các Sở, ngành thành phố đã nỗ lực để cải thiện chỉ số chuyển đổi số (DTI), đồng thời, nỗ lực triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, chính quyền số. Các nền tảng về chia sẻ dữ liệu, hệ thống trung tâm dữ liệu mới của Thành phố đang được triển khai theo quy trình.

Đặc biệt, để phục vụ người dân và doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cấp, mở rộng Trang/Cổng thông tin điện tử đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và quy định. Cùng với đó, Thành phố đang triển khai thử nghiệm Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố.

"Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan phối hợp với các Cục, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an thực hiện kết nối thành công Hệ thống dịch vụ công trực tuyến với CSDL quốc gia về dân cư sau khi đã được các Cục thuộc Bộ Công an xác nhận bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin", ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, đến nay, việc khai thuế điện tử trên địa bàn Thành phố đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 61.917.

Bên cạnh đó, Hóa đơn điện tử đã có 161.854/163.228 tổ chức doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký thành công (đạt tỷ lệ 99,16%). 10.113/10.115 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên địa bàn Thành phố đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công (đạt tỷ lệ 99,98%).

Nỗ lực trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số - Ảnh 2.

Thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống". Ảnh: VGP/Minh Anh

Hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại. 

Qua 1 năm triển khai Đề án 06, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đi vào hoạt động, nhiều thành tựu vững chắc đã được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng.

Đối với Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, UBND thành phố Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, có trọng tâm.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc giải quyết thủ tục hành chính; đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), đảm bảo hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.

Về thực hiện điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, Thành phố đã tiếp nhận đạt tỷ lệ 37,1% liên thông khai sinh/tổng số (3.067/9.653) và 10,1 % liên thông khai tử/tổng số (291/2.858), tiếp tục tích cực cùng các Bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế.

Thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" và khai thác các tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 6.018.769 thẻ Căn cước công dân, 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho rằng, hiện nay, việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng.

Trên cơ sở xác định được nguyên nhân và kinh nghiệm từ năm 2016 khi Hà Nội triển khai các dịch vụ công trực tuyến liên thông, Thành phố đã tập trung xác định mục tiêu với phương châm "Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền". Đây là phương thức "lan tỏa" hữu hiệu nhất để tăng hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông như hiện nay.

"Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… thì chính người dân sẽ là "tuyên truyền viên" hữu hiệu nhất, sự chia sẻ và truyền đạt qua kết quả trải nghiệm của người dân với bạn bè, người thân", ông Lê Hồng Sơn nói.

Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tương xứng và quy trình thuận lợi, đơn giản; chỉ dạo các đơn vị tăng cường và rà soát, xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu theo đúng quy định và hướng dẫn, bảo đảm chuẩn kết nối; giao các đơn vị nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền việc ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Còn theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong năm 2023, thành phố quyết tâm đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hoàn thành cơ sở dữ liệu một số lĩnh vực như: Cơ sở dữ liệu hệ thống tài nguyên môi trường, năng lượng; cơ sở dữ liệu các khu công nghiệp; cơ sở dữ liệu liên quan đến văn hóa, di sản...

Nỗ lực trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số - Ảnh 3.

Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn Thành phố đã đạt được kết quả bước đầu, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Ảnh: VGP/Minh Anh.

Phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, đến nay, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%...

Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Đề án được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.

Tuy nhiên, dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong khối Đảng, đoàn thể Thành phố còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi sổ của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội…

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng có một phần do cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số; chưa sẵn sàng đối mới về tư duy và hành động trong tiếp cận và thực hiện dẫn đến việc xây dựng chính sách và triển khai chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động, chưa đáp úng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Để nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết.

Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.

Về một số mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hà Nội khoảng 30%; trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu 10%; phấn đấu 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đến 90% hộ gia đình; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử…

Minh Anh

Top