Hà Nội: Rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

25/04/2022 2:36 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn Thành phố; tập trung ưu tiên bổ sung, bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tiêu chuẩn; cập nhật và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch các thiết chế này sớm nhất.

Hà Nội: Rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh - Ảnh: VGP/Hòa An

Sáng 25/4, tại phiên họp giải trình của HĐND về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Nội đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, ngay sau phiên giải trình, UBND Thành phố sẽ yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, kịp thời giải quyết thỏa đáng những vấn đề được các đại biểu HĐND nêu

Đặc biệt, đối với những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội nói chung và trong công tác phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hoá nói riêng, gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, công tác đầu tư, khai thác, quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong những năm qua luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo. Các Sở, ban, ngành Thành phố đã tích cực tham mưu, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao từ nguồn vốn ngân sách, tăng cường, khuyến khích xã hội hóa các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hoá, hằng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao nhằm đa dạng hoá các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân.

Thành phố đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi với tổng mức đầu tư 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao với tổng mức đầu tư trên 9.800 tỷ.

Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng); công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng)….

Đến nay, Thành phố cấp phép hoạt động cho 17 Bảo tàng trên địa bàn, tập trung ưu tiên để hình thành một số bảo tàng chuyên đề giới thiệu nghề truyền thống, bảo tàng nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cổ vật, lưu niệm danh nhân. Tiêu biểu như Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá - huyện Hoài Đức, Bảo tàng Cổ vật Tràng An… Nhiều doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ, lắp đặt hàng trăm thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời.

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, một số quận, huyện có cách làm sáng tạo như: Quận Cầu Giấy xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ quận đến tổ dân phố, đầu tư khu vui chơi giải trí cho trẻ em trong công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô và 03 Trung tâm văn hóa thể thao phường.

Quận Long Biên có 90% tổ dân phố có nhà văn hóa và đã có 57 điểm được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa, vườn hoa, khu công cộng theo hình thức mở để người dân được tự do luyện tập vào tất cả thời gian.

Tại quận Hoàn Kiếm, nhiều tổ dân phố không có nhà văn hóa nhưng quận đã vận dụng kết hợp với Đình, Đền làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều huyện mặc dù còn khó khăn nhưng đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa ở thôn như: Đông Anh đạt 99,2%, Ứng Hòa đạt 97,9% và rất nhiều sáng tạo khác từ cơ sở.

6 giải pháp trọng tâm cho thiết chế văn hoá, thể thao

Về dự án chậm triển khai liên quan đến công viên Kim Quy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, với dự án Công viên Kim Quy thì việc chậm trễ có lịch sử liên quan nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ.

Với dự án Công viên văn hóa, thể thao Đống Đa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng các sở, ngành, quận liên quan dứt điểm điều chỉnh quy hoạch xong trong hai tháng nữa.

Về việc lấn chiếm đất ở khu vực Thành Công cũ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, Thành phố đã đã giải tỏa được 132 hộ dân, 9000m2 tại khu vực ao Thất Thợ và khoảng 10.000m2 tại khu bãi rác Thành Công. Chủ tịch UBND quận phải chỉ đạo quản lý chặt chẽ, không để tái lấn chiếm; thực hiện đồng bộ với giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ theo điều chỉnh quy hoạch. Với 40 công trình các nhà văn hóa còn lại, thành phố sẽ tổng hợp, xem xét cụ thể và sẽ chỉ đạo để có 1 đề án hoặc kế hoạch cụ thể.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, 6 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng và Thành phố, các đơn vị phải rà soát tổng thể, cập nhật và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch sớm nhất.

Thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao; dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa; xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh là con người.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ bố trí ngân sách trong kế hoạch hằng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ); nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.

Top