Hà Nội: Sẵn sàng sơ tán dân ứng phó các tình huống thiên tai

21/09/2024 3:36 PM

(Chinhphu.vn) - Từ nay đến ngày 23/9, Hà Nội dự báo mưa lớn, lũ sông Bùi, Tích, Mỹ Hà lên trở lại, cần rà soát, sẵn sàng sơ tán dân ứng phó các tình huống thiên tai.

Hà Nội: Sẵn sàng sơ tán dân ứng phó các tình huống thiên tai- Ảnh 1.

Sông Bùi rút chậm và đang ở mức trên báo động cấp III. Ảnh internet

Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, khoảng đêm nay (21/9) và sáng sớm 22/9, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc sẽ ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội; thời tiết chuyển mát; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 22-24 độ C.

Do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới, sau đó là không khí lạnh nên hôm qua và sáng sớm nay, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi lớn hơn, như: Quảng Oai (huyện Ba Vì) 119,4mm, quận Hà Đông 76mm, huyện Hoài Đức 45,1mm.

Từ đêm nay đến sáng sớm 23/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó mưa rải rác; tổng lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi lớn hơn.

Trong khi lũ sông Tích, sông Bùi rút chậm và đang ở mức trên báo động cấp III. Cụ thể, mực nước thực đo lúc 1h sáng nay trên sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 7,27m, trên báo động lũ cấp III là 27cm; sông Tích tại Trạm Thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) là 8,3m, trên báo động lũ cấp III là 30cm.

Những giờ tới, lũ trên các sông Tích, Bùi tiếp tục xuống chậm. Đến 19h tối nay, mực nước sông Bùi ở mức 7,23m, giảm 4cm so với lúc 1h cùng ngày; sông Tích ở mức 8,27m, giảm 3cm. Sau đêm nay, lũ trên các sông Tích, Bùi lên trở lại.

Mưa lớn, lũ sông ở mức cao không chỉ gây úng ngập đô thị, nguy cơ sạt lở đất vùng đồi núi mà còn đe dọa an toàn các tuyến đê, kéo dài thời gian ngập lụt sâu các khu dân cư vùng trũng thấp, ven sông Tích, Bùi, Mỹ Hà thuộc các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...

Trước dự báo trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của các đợt thiên tai, sự cố vừa qua; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết, thiên tai, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các quận, huyện, thị xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động; Tổ chức vận hành và triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thùy Chi

Top