Hà Nội sẽ có thêm 2 nghìn căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

30/11/2023 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 5.662 căn hộ chung cư và thấp tầng hoàn thành từ nay đến năm 2025; 3.512 căn hộ hoàn thành giai đoạn sau năm 2025; 294 căn hộ đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đáng chú ý, có 2.051 căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai xây dựng, hoàn thành giai đoạn 2025 - 2027.

Phê duyệt 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt danh mục 15 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 2). Trong đó có phê duyệt 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.051 căn nhà ở xã hội.

Hà Nội sẽ có thêm 2 nghìn căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp- Ảnh 1.

Việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chương trình ưu tiên trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Cụ thể, 3 dự án, bao gồm: Nhà ở xã hội tại ô đất CT4 - CT5 thuộc Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) do Liên danh Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex làm chủ đầu tư (562 căn hộ), đang chuẩn bị thi công, dự kiến hoàn thành năm 2025; Nhà ở xã hội tại ô đất CT6B Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (552 căn hộ); Nhà ở xã hội tại ô CT7 - CT8 Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (937 căn hộ), hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, tháng 8/2023, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục 162 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1). Cụ thể, có 146 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với 91.322 căn hộ chung cư và thấp tầng; 8 dự án nhà ở xã hội với 5.572 căn hộ; 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư với 5.177 căn hộ...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện "Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030", Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2/người (khu vực đô thị đạt 31m2/người, khu vực nông thôn đạt 28m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2. Đến năm 2030, Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân lên đạt 32m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê - mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án…

Để giải bài toán khó về phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2030 ước cần khoảng 6,8 triệu m2 sàn (tương đương 113.000 căn hộ), Hà Nội đã đưa ra 5 giải pháp thực hiện; trong đó, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng mong mỏi bức thiết và chính đáng của nhiều người dân khó khăn về nhà ở.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280ha; dự kiến khi hoàn thành cung cấp khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở (tương đương 38.000 căn hộ). Hiện, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm phát triển khu nhà ở xã hội độc lập; đồng thời, rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20%, 25% tại dự án nhà thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội…

Cần tháo bỏ những rào cản để phát triển nhà ở xã hội

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chương trình ưu tiên trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các chính sách đã và đang gặp phải những bất cập và cả thách thức.

Cụ thể, theo nhận định của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), , mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Bất cập đầu tiên và lớn nhất khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà để triển khai các dự án nhà ở xã hội theo VARs là những bất cập liên quan đến quy định bố trí 20% quỹ đất tại dự án đô thị cho nhà ở xã hội.

Bất cập thứ hai theo VARs là những hạn chế về nguồn vốn và lãi suất. Theo đó, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã xây dựng hai chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội.

Vấn đề còn khó khăn thứ ba, theo VARs là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài, khó khăn hơn cả nhà ở thương mại, tạo rào cản chủ đầu tư tiếp cận loại hình nhà ở này.

Yếu tố thứ tư theo VARs là việc giá bán nhà ở xã hội hiện bị khống chế, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Từ những khó khăn, tồn tại nêu trên, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu phát triển nhà ở xã hội y hệt nhà ở thương mại rồi đưa ra những khung giá không phù hợp với điều kiện thị trường, các nhà đầu tư sẽ không quan tâm. Bên cạnh đó, những vướng mắc khi thực hiện thủ tục làm cho các nhà đầu tư chán nản.

Theo ông Thanh, cần phải thay đổi tư duy làm nhà ở xã hội. Phải làm để người dân có thể sinh sống lâu dài, hoặc khi họ vượt lên một tầm khác thì người đến sau có cơ hội sở hữu. Muốn tiết kiệm chi phí phải thực hiện các dự án quy mô lớn, còn làm nhỏ không thể giảm. Nếu không làm quy mô lớn, giá vốn khoảng 20 triệu/m2 là bình thường. Mặc dù vậy, khống chế giá cả lại làm giảm chất lượng nhà, người dân vào ở bị xuống cấp ngay.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VARs, không nên chỉ nghĩ đến việc xây nhà ở xã hội giá rẻ, đồng thời cần có cơ chế, quy định để những người không thuộc diện sử dụng nhà ở xã hội nữa chuyển nhà cho nhóm người đang khó khăn hơn. Điều này giúp thị trường có tính uyển chuyển, thu hút nhà đầu tư, người dân cũng có cơ hội hưởng lợi.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội lên 15 - 20%, thay vì mức cũ 10% không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Sở cũng kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, vì đây là cơ chế ưu đãi quan trọng đối với các chủ đầu tư và cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.

Mặt khác, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất trong pháp luật về đấu thầu cần có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai nhằm giúp rút ngắn thời gian; đặc biệt, cần có giải pháp ưu đãi đối với gói 120.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội (về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý…).

Thùy Chi

Top