Hà Nội sẽ hành động vì doanh nghiệp

17/05/2017 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - “Cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc, TP. Hà Nội sẽ hành động vì doanh nghiệp, xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Chủ tịch TP Hà Nội: Có sở, ngành cắt giảm thủ tục hành chính đến 60%

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định và cam kết như trên khi phát biểu Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 tổ chức sáng 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Có sở, ngành cắt giảm thủ tục hành chính đến 60%

Theo Chủ tịch TP.Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, trong năm vừa qua, Hà Nội đã hiện thực hoá bằng nhiều hành động cụ thể như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, rà soát các thủ tục hành chính. Có sở, ngành đã cắt giảm thủ tục hành chính tới 60%. Đăng ký thành lập qua mạng đạt trên 70%, tạo liên kết vùng, kết nối ngân hàng để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn... Chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ, công tác; sắp xếp các sở, ngành và doanh nghiệp công ích tránh sự trùng lắp, thu gọn đầu mối.

Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội đã được tổ chức vào tháng 6/2016 để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp; rà soát lại tất cả TTHC của các sở, ban, ngành, mạnh dạn cắt giảm, thu gọn TTHC. Ngoài ra, Thành phố tổ chức hội nghị liên kết các vùng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hàng hóa; tổ chức kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để tiếp cận các nguồn vốn; tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe vướng mắc khó khăn, từ đó tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hà Nội cũng tổ chức chấn chỉnh tư thế tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần lấy doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ cương hành chính, Hà Nội đã xây dựng và ban hành các bộ quy chế làm cơ sở đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và sự hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành của Thành phố.

Toàn bộ các sở, ban, ngành và các đơn vị doanh nghiệp công ích trên địa bàn được sắp xếp lại trên tinh thần thu gọn đầu mối, thu gọn các chức năng nhiệm vụ.

Với hàng loạt các biện pháp đồng bộ, năm 2016, GDP của Thành phố đạt 8,2%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây, thu ngân sách 186.953 tỷ đồng, đạt 113% dự toán. Thu hút đầu tư có sự đột phá khi vốn ngân sách đã thu hút được trên 439 nghìn tỷ đồng, trong đó có 156 dự án trong nước với trên 141 nghìn tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 588 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 3,11 tỷ USD, tăng 2,93 lần so với năm 2015. Năm 2016, có 22.666 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18%; số vốn đăng ký là trên 232 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2015.

Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 15/5, vốn đăng ký trong nước đạt 33,3 nghìn tỷ đồng; có trên 9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước với số vốn đăng ký 67,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,26% so với cùng kỳ 2016. Như vậy Hà Nội hiện có 216.566 doanh nghiệp.

Giải quyết hiệu quả khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để hành động vì doanh nghiệp, TP. Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Hà Nội tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và giải quyết ngày một hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Thành phố sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt năm kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến căn bản để xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận thị trường, nguồn lực đầu tư như đất đai, nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ phù hợp với cam kết quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; thực hiện công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch nhằm minh bạch hóa, tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tăng cường chất lượng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới đáp ứng nguồn nhân lực tiêu chuẩn quốc tế…

Phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp là cầu nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, Hà Nội cũng coi các hiệp hội doanh nghiệp là cánh tay nối dài của chính quyền với doanh nghiệp trong việc tập trung phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, Thành phố có 400 nghìn doanh nghiệp, hình thành khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nêu các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Hà Nội kiến nghị khi triển khai các Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 5 dần dần hạn chế phương thức đặt hàng dịch vụ công ích, tiến tới chuyển đổi toàn bộ sang cơ chế đấu thầu và chuyển toàn bộ đơn vị, doanh nghiệp công ích thuộc các bộ, tỉnh, thành phố quản lý sang cơ chế doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo sự bình đẳng, cạnh tranh trong hoạt động, từ đó tạo ra khâu đột phá trong quản lý.

Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát lại các thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp nào nhà nước cần nắm giữ thì để lại, còn doanh nghiệp nào không cần nắm giữ thì cổ phần hóa 100% nhằm tạo cho các doanh nghiệp đầu tư vốn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự do phát triển.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng nêu đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội thí điểm xây dựng mạng dùng chung để quản lý toàn bộ các doanh nghiệp cũng như hệ thống bán lẻ cho tất cả các hộ kinh doanh để trên cơ sở đó quản lý thuế chung vào hệ thống quản lý thuế của Bộ Tài chính.

Gia Huy

Top