Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động từ 6h00 ngày 21/9

20/09/2021 8:16 PM

(Chinhphu.vn) - Việc Hà Nội nới lỏng một số hoạt động từ 6h00 ngày 21/9 nhằm mục tiêu vừa duy trì hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục nâng cao năng lực y tế của Thành phố một cách toàn diện để sẵn sàng ứng phó trong các tình huống dịch bệnh mới. UBND thành phố sẽ ban hành chỉ thị mới, trước mắt là áp dụng cho 2 tuần tới và căn cứ vào thực tế có thể kèo dài thời gian thực hiện.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: Gia Huy

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết như trên tại Hội nghị thông tin báo chí của Thành uỷ Hà Nội chiều 20/9.

Bảo vệ vững chắc vùng xanh, đưa Hà Nội về trạng thái bình thường mới

Tại hội nghị thông tin báo chí chiều 20/9, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 20/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.187 ca. Trong đó, 1.311 ca ngoài cộng đồng; 1.854 ca trong khu cách ly, 760 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.

Riêng công tác tiêm chủng, Thành phố đã chuẩn bị năng lực 1.000 dây chuyền tiêm chủng (tối đa 1.200 dây chuyền) để đáp ứng cho 200.000 mũi/ngày. Bộ Y tế đã phân bổ vaccine kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, được sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi. Thành phố đã tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị là 5.359.676 liều vaccine. Ngoài ra, Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ 10.800 liều vaccine Sinopharm tiêm cho công dân Trung Quốc sống trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 18/9, Thành phố đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1 tiêm 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, Bệnh viện Trung ương tiêm 725.566 mũi) và đạt 94,2% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số. Số mũi 2 đã tiêm 786.095 mũi đạt 12% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số.

Đối với công tác xét nghiệm, từ ngày 8/9-15/9 đã lấy tổng số gần 4,2 triệu mẫu, đạt 84% kế hoạch. Qua xét nghiệm đã phát hiện 21 ca dương tính. Từ ngày 16/9-19/9 đã lấy 90.977 mẫu thường quy và đã phát hiện 47 ca dương tính, còn lại âm tính. Tính đến ngày 15/9, TP đã kích hoạt 22.100 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Trong thời gian tiếp theo, Sở Y tế tiếp tục cùng các sở, ngành phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hoá vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ” với mục tiêu đưa Hà Nội trở về trạng thái bình thường mới, sống thích ứng, an toàn trong điều kiện mới.

4 giải pháp tiếp tục bảo đảm cung ứng hàng hoá

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, qua 4 đợt giãn cách, ngành Công Thương vẫn thực hiện tốt chức năng đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân. Đặc biệt trong đợt thứ 4 giãn cách, Hà Nội phân làm 3 vùng, Sở đã xây dựng phương án phục vụ bảo đảm nguồn cung và hàng hoá cho 3 vùng, đặc biệt là vùng 1 được siết chặt hơn.

Cụ thể là chủ động làm việc hệ thống phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, hợp tác xã sản xuất-kinh doanh để triển khai cụ thể cung ứng hàng hoá; phương án được đưa ra cụ thể, chi tiết như yêu cầu siêu thị đưa hàng dự trữ hàng vào kho trong địa bàn vùng 1, bảo đảm vận chuyển 24/24 để có nguồn cung hàng hoá cho người dân. Do đó, nhu cầu hàng hoá của người dân được đáp ứng, giá cả không tăng đột biến. Sở cũng phối hợp các địa phương thu mua hàng hoá, tránh dư nguồn cung, phối hợp tổ chức đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tiêu thụ trái cây khi sức mua hạn chế.

Hà Nội cũng tạo điều kiện cho xe vận chuyển hàng hoá vào Thành phố bình thường, bảo đảm lưu thông; quan tâm tiêm và xét nghiệm cho hệ thống phân phối, đến nay toàn bộ người lao động trong hệ thống phân phối đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn lực lượng xe để hỗ trợ doanh nghiệp khi cần lưu thông hàng hoá, phân bổ mỗi doanh nghiệp 9-10 xe trong tổng số trên 200 xe dự trữ để không thiếu hàng cục bộ, nếu hệ thống phân phối nào thiếu hàng thì trong vòng 2 tiếng sẽ vận chuyển hàng về hệ thống đó.

Sở cũng chỉ đạo hệ thống phân phối đa dạng hoá hình thức bán hàng, đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử để ng dân tránh ra đường đông người. Mức tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử tăng từ 30%-50% so với các ngày bình thường.

Trong thời gian tới, để bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Sở Công Thương sẽ tham mưu Thành phố để ban hành tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh; thứ hai là hướng dẫn doanh triển khai phương án bảo đảm sản xuất; thứ ba là tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, có giải pháp hỗ trợ; thứ tư là tham mưu Thành phố tiếp tục triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch cho phép, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Giữa tháng 11 có thể cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học

Phát biểu kết luận buổi thông tin, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh lại Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội với 5 nhóm mục tiêu xuyên suốt là: Nâng cao năng lực y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch; kiên trì thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc, cách ly tập trung, phân tầng điều trị ngay từ đầu; bảo đảm được an sinh xã hội cho mọi người dân; đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa và bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội một lần nữa chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm và rất hiệu quả của 12 đoàn công tác của 12 tỉnh, thành phố; các bệnh viện Trung ương; lực lượng các y bác sĩ công lập, tư nhân, các tình nguyện viên... đã hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm diện rộng.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau khi hết đợt giãn cách thứ 4, Thành phố đã tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn; trao đổi với các tỉnh, thành xung quanh để thống nhất đồng bộ các giải pháp bảo đảm tính chất liên vùng, liên kết, đồng thuận cũng như tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương.

Trên cơ sở đó, việc nới lỏng một số hoạt động từ 6h ngày 21/9 nhằm mục tiêu vừa duy trì hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân; tiếp tục nâng cao năng lực y tế của thành phố một cách toàn diện để sẵn sàng ứng phó trong các tình huống dịch bệnh mới.

Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố lần này vẫn nhất quán trên tinh thần không cầu toàn, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác phòng, chống dịch của Hà Nội phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chung của các tỉnh, thành phố xung quanh và cả nước. Khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở trong Thành phố và từ các nguồn xâm nhập bên ngoài, mục tiêu của thành phố là phải bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, sau đây, UBND Thành phố sẽ ban hành chỉ thị mới, trước mắt là áp dụng cho 2 tuần tới, nhưng Thành phố sẽ căn cứ vào thực tế có thể kéo dài thời gian thực hiện. Hiện tại, Hà Nội chưa thể trở về trạng thái bình thường mới hoàn toàn, vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 mới đạt 12%, trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chí là hơn 70% dân số được tiêm mũi 1, và bằng hoặc hơn 20% dân số được tiêm mũi 2.

Để hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Hà Nội sẽ tranh thủ đợt phòng, chống dịch từ 6h00 ngày mai (21/9) khi được cấp đủ vaccine sẽ tiêm phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành vào đầu tháng 11, để khoảng giữa tháng 11 có thể bắt đầu cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học.

Gia Huy

Top