Hà Nội sẽ sớm khởi công 3 cây cầu qua sông Hồng
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sẽ cố gắng khởi công sớm nhất các cây cầu qua sông Hồng như: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, tạo ra không gian rất lớn để phát triển mới cho Hà Nội và các địa phương.
Sáng 14/1, tại Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% và cao nhất có thể; từ đó tạo đà cho năm 2026 - 2030 tăng trưởng kinh tế lên 2 con số.
Hiện nay TP. Hà Nội đang tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thời gian tới, Hà Nội sẽ cố gắng khởi công sớm nhất các cây cầu qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi. Nếu hoàn thành xong những cây cầu này sẽ tạo ra không gian rất lớn để phát triển Hà Nội và Bắc Ninh.
Hà Nội sẽ tập trung cải cách, về mặt thể chế, phân cấp ủy quyền, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thêm. Hà Nội đã có dự án trình xin Thủ tướng phê duyệt khẩn cấp dự án lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch.
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 6 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng bền vững.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tích cực, chủ động, hiệu quả triển khai kết nối vùng, đặc biệt là kết nối giao thông với các dự án như đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, các cầu của Hà Nội (trong đó cầu Phù Đổng, cầu Tứ Liên phải khởi công trong thời gian từ nay đến 30/4/2025); cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng khởi công các đoạn còn lại trong quý I; khởi động tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc (Hà Nội); khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025; tháo gỡ các dự án tồn đọng, kéo dài…
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân… báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý I/2025. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực phát triển, giải ngân đầu tư công.
Trước đó, ngày 7/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường
TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, và cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Gia Huy