Hà Nội sẽ thử nghiệm chính sách mới để phát triển văn hóa

06/11/2024 2:28 PM

(Chinhphu.vn) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố sẽ thử nghiệm các chính sách mới để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

Hà Nội sẽ thử nghiệm chính sách mới để phát triển văn hóa- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 6/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định văn hóa Thủ đô đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp mà thực sự, theo thời gian, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa và phát triển con người của Hà Nội ngày càng sâu sắc, toàn diện, cập nhật xu thế phát triển của Thế giới.

Hà Nội cũng là là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về"Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Từ khi ban hành đến nay, lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã xác định đúng, trúng các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh 3 điểm nổi bật trong 10 năm Thành phố đã đạt được, đó là: Nhận thức về phát huy văn hóa trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô đã được lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm trong suốt 70 năm qua, đặc biệt, trong 40 năm đổi mới, trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn có chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội bên cạnh chương trình về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị- điều đó chứng tỏ sự kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ.

Hà Nội không chỉ thực hiện nghiêm, Thành phố còn rất sáng tạo, bám sát yêu cầu tình hình thực tiễn của Thủ đô, từ đó, đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết sách, như: ban hành 2 bộ tiêu chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Hà Nội là địa phương mạnh dạn đưa môn giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội vào hệ thống giáo dục phổ thông, đưa giáo dục địa phương, trong đó có nội dung Hà Nội học vào các nhà trường, đưa thí điểm sân khấu vào học đường để giáo dục học sinh.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW rất cụ thể, qua đó, giúp Hà Nội tự hào, tự tin trong xác định những vấn đề lớn trong giai đoạn tiếp theo của Thủ đô, những nội dung này đang được khởi thảo, cập nhật, cho ý kiến trong Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII sắp tới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng những kết quả đó không đều giữa các địa phương, nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị.

Hà Nội sẽ thử nghiệm chính sách mới để phát triển văn hóa- Ảnh 2.

TP. Hà Nội trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong triển khai Nghị quyết - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương, để các quận, huyện, thị xã, các ngành cập nhật quy hoạch, để tiến tới khi 2 Quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phải liên thông, tích hợp thành hệ thống; phải đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết...

tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây vừa là lợi thế của Hà Nội đồng thời cũng là trách nhiệm của Hà Nội với cả nước. Do đó, phải quan tâm, đầu tư thích đáng cho nội dung này, tăng cường giao lưu, học hỏi với các địa phương trong và ngoài nước.

Lưu ý đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa một cách chuyên nghiệp còn thiếu, hạn chế, do đó, bỏ lỡ nhiều cơ hội, không khích lệ được sự sáng tạo trong xã hội. Do đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong thời gian tới.

Gia Huy

Top