Hà Nội: Tăng cường chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ

04/03/2019 10:59 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Việc vận động bà con nông dân cùng vào cuộc sẽ giúp công tác chống dịch hiệu quả hơn.

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi tại Bộ NN&PTNT ngày 4/3.

Trong hơn một tháng, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố phía Bắc và đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy đã lên tới trên 4.200 con lợn. 

Từ đầu tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên, chỉ sau hơn một tháng, dịch đã được phát hiện tại 7 tỉnh, thành phố ở phía Bắc.

Tính tới ngày 3/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Tại Hà Nội, bệnh DTLCP được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được tiêu hủy bằng phương pháp chôn. Tại tỉnh Hà Nam, bệnh DTLCP được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh cũng đã tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Về virus DTLCP, Cục Thú y cho biết, đã giải trình tự gen của virus DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam. Kết quả cho thấy giống 100% chủng virus DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Theo Cục Thú y, bệnh DTLCP lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn.

Về nguồn lây lan, bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..).

Ngoài ra, việc lây nhiễm còn thông qua khi vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch ở Trung Quốc đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Bên cạnh đó, hiện nay, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, để chủ  động phòng chống dịch, đầu tháng 9/2018, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, đồng thời vận động bà con nông dân cùng vào cuộc quyết liệt để chống dịch.

“Các chốt kiểm dịch trong thành phố cũng được tăng cường tại mọi cửa ngõ, tuyến đường, giám sát chặt tại các cơ sở, khi phát hiện xử lý ngay, triệt để. Đồng thời, Hà Nội đã phát động tổng tẩy uế môi trường vệ sinh toàn thành phố. Khi xảy ra dịch, sẽ tiến hành hỗ trợ ngay cho bà con.Kiên quyết không để tình trạng dịch xảy ra không xử lý ngay hay ném lợn bệnh ra kênh mương…”, ông Sửu nhấn mạnh.

Ông Sửu cũng đề nghị cần có cơ chế xuất nhập khẩu động vật và các sản phẩm động vật mạnh mẽ hơn, đồng thời các địa phương phải làm tốt tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Đỗ Hương

Top