Hà Nội tăng cường xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường

27/11/2023 2:13 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tăng cường và bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Hà Nội tăng cường xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

TP. Hà Nội thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Giải quyết hài hòa giữa mối quan hệ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, môi trường ở Thành phố vẫn còn ô nhiễm. Do vậy, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp, quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhất là việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và các năm tiếp theo. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030".

UBND Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 05-CTr/TU về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025".

Ngoài ra, Thành phố còn cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Luật Thủ đô 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nhờ quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố nên công tác bảo vệ môi trường ở Hà Nội có những chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất là tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế hằng ngày trên địa bàn Thành phố đạt gần 100%. Thành phố đã xóa được khoảng 97% số lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70-90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở ngoại thành; kiểm kê được nguồn thải gây ô nhiễm không khí; đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt nội thành và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố, góp phần hạn chế xả thẳng ra môi trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đánh giá: Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn chưa cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, phế thải xây dựng ra kênh mương, ao hồ, trục đường giao thông… gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, Hà Nội đã kiểm kê được nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, nhưng chậm triển khai các giải pháp xử lý, dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí cao. Đặc biệt, Thành phố chưa bố trí được nguồn lực cải tạo nguồn nước mặt các sông: Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ dẫn đến bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…

Để nâng cao chất lượng môi trường theo hướng bền vững, mới đây, tại hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô.

Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể những vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan để đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước, xử lý chất thải rắn…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lưu Thị Thanh Chi cho biết, kế thừa những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Trung ương, TP. Hà Nội và các quy định trong điều 14 Luật Thủ đô 2012, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo Luật nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải.

Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương khác trong vùng Thủ đô; có các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường...

Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Các địa phương lân cận cùng chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô

Để nâng cao tính trách nhiệm của các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hoàng Hải đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các địa phương lân cận đối với công tác này.

Theo ông Hoàng, với những thành tựu đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế được nhìn nhận rõ qua việc thực hiện Luật Thủ đô cũng như các nghị quyết thí điểm, đã đến lúc cần phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn để Thủ đô Hà Nội có thể tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô và kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế xây dựng và phát triển Thủ đô, để thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Thủ đô Hà Nội phải trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế năng động, trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển - như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra.

Nội dung về vấn đề bảo vệ môi trường, tại Điều 29 của dự thảo Luật, việc bảo vệ môi trường của Hà Nội chỉ gói gọn ở trong phạm vi của địa giới hành chính thành phố Hà Nội mà không thấy được vai trò, trách nhiệm của các địa phương xung quanh. Theo đại biểu Hải, để bảo vệ môi trường Thủ đô đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang...

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định về trách nhiệm của các địa phương xung quanh Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường của Hà Nội. Ví dụ, trước khi sông Hồng chảy qua Hà Nội thì còn qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Vậy trách nhiệm của những địa phương này đối với nguồn nước trước khi đổ về Thủ đô Hà Nội như thế nào? Hoặc là về bảo vệ môi trường không khí, nếu như các nhà máy ở các tỉnh lân cận hoạt động ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội thì cơ chế xử lý sẽ như thế nào? Nếu như không quy định tại dự thảo Luật thì dễ dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng sẽ chỉ lo cho địa phương đó.

Về phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội, tại cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vào ngày 13-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gợi mở, đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình "nhà xây nén", "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng.

Đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, định hướng phát triển trên là rất đúng. Cần hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, bảo đảm phát triển bền vững. Tại các nước phát triển thì nhiều đô thị lớn và chật chội như Paris, NewYork hay Singapore, đều có những công viên trung tâm rộng lớn và rừng cây ở trong thành phố. Tại Việt Nam mới chỉ có thành phố Hồ Chí Minh là có huyện Cần Giờ, trong khi Hà Nội chưa phát triển được như vậy.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cũng chưa nhận thấy định hướng rõ ràng về quy hoạch để nhằm bảo đảm hệ sinh thái ở trong vùng lõi của Thủ đô Hà Nội đã có rừng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và thể hiện rõ hơn tại dự thảo Luật các tiêu chí, điều kiện đối với Thủ đô Hà Nộ về tỉ lệ đô thị hóa, tỉ lệ cây xanh.

Thùy Chi

Top