Hà Nội tập trung mở cửa, phục hồi nền kinh tế

28/05/2022 8:48 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội tập trung mở cửa, phục hồi nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022, điều này đang đem lại hiệu quả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, du lịch phục hồi tích cực, nhiều chính sách hỗ trợ đã có hiệu lực và đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Hà Nội đang tập trung mở cửa, phục hồi nền kinh tế - Ảnh 1.

Hà Nội đang mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thủ đô góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Thảo luận tại tổ trong chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ngày 25/5, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội của cả nước.

Đóng góp vào thành công chung của cả nước có sự góp sức rất lớn của TP. Hà Nội, đặc biệt là việc thực hiện chiến dịch tiêm phủ vaccie cùng các giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Thành phố đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022; Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố và các Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc...

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, so với cùng kỳ, các chỉ số hoạt động sản xuất kinh doanh của Hà Nội đều tăng mạnh, điều này cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực, có xu hướng phát triển tốt.

Đến hết tháng 4, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội là trên 158.940 tỷ đồng (đạt 51% dự toán). Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 4 là trên 19.380 tỷ đồng (đạt 18,1% dự toán đầu năm).

Kết quả về thu hút đầu tư cũng khả quan khi hết tháng 4/2022, thu hút vốn FDI của Hà Nội là khoảng trên 586triệu USD, trong đó: Đăng ký mới 93 dự án và 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 278 triệu USD. Số lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 110 lượt, số vốn khoảng trên 379 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 4 tháng 2022 đạt trên 995 tỷ đồng với 8 dự án, trong đó 3 dự án mới với số vốn 43 tỷ đồng, 5 dự án điều chỉnh chủ trương.

Hà Nội đang tập trung mở cửa, phục hồi nền kinh tế - Ảnh 2.

Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Du lịch phục hồi tích cực, bảo đảm an sinh xã hội

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội , Hà Nội đang mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, Thành phố đã ban hành văn về việc điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong tình hình mới. Theo đó nhiều hoạt động dịch vụ được mở cửa trở lại, du lịch dần phục hồi, lấy lại đà tăng trường.

Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, ngành du lịch đã phục hồi tích cực sau khi Thành phố mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 85 nghìn lượt khách, tăng 15,2% (4 tháng đầu năm 2021 giảm 89,2%). Khách trong nước đến Hà Nội đạt 381 nghìn lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2021 tăng 22,1%).

Thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, các địa phương để đảm bảo việc mở cửa du lịch được diễn ra đồng bộ, thống nhất; chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và trong các tổ chức quốc tế để tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và xúc tiến du lịch. Ngoài ra, triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách quốc tế.

Trong tháng 5, khách du lịch đến Hà Nội tiếp tục tăng trưởng do Hà Nội đẩy mạnh các chương trình xúc tiến du lịch nhân dịp SEA Games 31. Các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc đã được kích hoạt, phục vụ khách du lịch tới Hà Nội nhân dịp nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Thủ đô.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong giai đoạn diễn ra SEA Games 31, Hà Nội đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú. tính đến ngày 23/5/2022. Các khách sạn trên địa bàn Thủ đô đã đón và phục vụ trên 5.600 đại biểu, trọng tài, vận động viên và phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

Về hỗ trợ người lao động, đến nay, Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 2,6 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với kinh phí trên 2.530 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Thành phố chi trả cho trên 3,2 triệu người lao động đang tham gia BHTN và người lao động tạm dừng BHTN với tổng số tiền trên 4.110 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế đến hết tháng 3/2022, tổng số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được giảm thuế VAT 2% là 32.379 đơn vị. Tổng số thuế giá trị gia tăng được giảm là trên 5.700 tỷ đồng.

Các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tích cực tìm hiểu, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh; UBND thành phố triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, các lĩnh vực sản xuất lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên. Đến 30/4, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng 3,54% so với 31/12/2021.

Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển giao thông, du lịch, dịch vụ

Tiếp tục các giải pháp phát triển kinh tế năm 2022, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết Hà Nội đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...

Hà Nội đang phối hợp hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội vừa diễn ra đã sẽ xem xét, quyết nghị về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô gồm các nội dung: Cam kết nguồn vốn triển khai thực hiện dự án từ ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố tập trung lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô...

Thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành: du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên kênh CNN quốc tế, trước, trong và sau SEA Games 31; chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cụm công nghiệp. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai năm 2022, nhất là công tác tiêu thoát nước mùa mưa; gia cố đê, kè chống úng ngập.

Thảo luận tại tổ trong chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho biết Thành phố sẽ chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ ra vào; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ. Hà Nội cũng chú trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa; cải tạo các chung cư cũ… theo kế hoạch đã đặt ra của năm 2022.

Gia Huy

Top