Hà Nội: Thành lập Hội đồng thẩm định các công trình kiến trúc có giá trị

25/07/2023 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tham gia ý kiến và thẩm định (lập mới và điều chỉnh) danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định.

Hà Nội: Thành lập Hội đồng thẩm định các công trình kiến trúc có giá trị - Ảnh 1.

Nhà hát lớn Hà Nội (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là công trình được người Pháp xây dựng năm 1901, hoàn thành năm 1911, có kiến trúc giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ XX.Ảnh: Thùy Chi

UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, "Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị trên địa bàn Thành phố Hà Nội" gồm 17 thành viên chính thức, do ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội làm Chủ tịch.

Trường hợp cần thiết, UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét có thể mời một số chuyên gia tham gia thẩm định cho các vấn đề cần làm rõ của từng nhóm hồ sơ công trình.

Hội đồng có nhiệm vụ tham gia ý kiến và thẩm định (lập mới và điều chỉnh) danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ.

Sở Quy hoạch Kiến trúc (cơ quan giúp việc thường trực Hội đồng thẩm định) chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, lập báo cáo và tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố hoặc đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Đơn vị chủ trì tổ chức đề xuất nội dung cần lấy ý kiến Hội đồng thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tổ thư ký Hội đồng thẩm định.

Thời gian thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định; tổ chức thực hiện theo Quy chế; giao Sở Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn việc bố trí kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định theo quy định.

UBND TP. Hà Nội cho biết, vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn TP.Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019.

Bộ Xây dựng đã có văn bản số 78/BXD-QHKT ngày 11/01/2021; số 2696/BXD-QHKT ngày 14/7/2021, gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn việc lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự, một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, 1.216 biệt thự theo danh mục công bố tại Quyết định 1845 ngày 2/6/2022 của UBND thành phố và một số công trình kiến trúc khác sẽ được kiểm định, trong đó ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc. 24 biệt thự này được đánh giá có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc.

UBND thành phố có kế hoạch thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hoá 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự theo Chương trình số 3 của Thành uỷ.

Theo UBND thành phố, việc này nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về biệt thự; làm cơ sở để bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành theo Chương trình số 3; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954.

Biệt thự nhóm 1 được ưu tiên lập hồ sơ bảo tồn, ngoài các tài liệu nêu trên, phải có đầy đủ các bản vẽ hiện trạng tổng mặt bằng tỉ lệ 1/200 thể hiện hình dáng, kích thước, diện tích thửa đất và vị trí các công trình trong khuôn viên nhà biệt thự; bản vẽ kiến trúc: mặt đứng, mặt cắt, chi tiết kiến trúc, phối cảnh. Các tài liệu, hồ sơ về giấy phép xây dựng và trật tự xây dựng; tài liệu hồ sơ về quá trình sửa chữa, cải tạo đối với các nhà biệt thự qua các thời kỳ...

Thùy Chi

Top