Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cho nhà ở xã hội

21/11/2024 7:01 PM

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, một số dự án nhà ở xã hội tại Thủ đô Hà Nội vẫn đang gặp các vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn

Với sự phân quyền mạnh mẽ, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, việc triển khai các nội dung có liên quan tại Luật Thủ đô năm 2024 tại thời điểm hiện nay được kỳ vọng sẽ mang tới giải pháp đột phá, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.

Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cho nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, quy định của Luật Nhà ở mới, điều kiện mua nhà ở xã hội cũng đã được nới lỏng hơn, rất thuận lợi cho người mua nhà. Điều này giúp các chủ đầu tư tăng sự hứng khởi, khi hàng ra đến đâu, gần như bán hết tới đó. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, một số dự án nhà ở xã hội vẫn đang gặp các vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, có 69 dự án đã và đang triển khai. Trong đó, 19 dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với khoảng 0,952 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội sẽ cung cấp khoảng 15.440 căn, đạt khoảng 78,3% so với chỉ tiêu tại Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố (1,215 triệu mét vuông sàn).

Trong giai đoạn 2026-2030, sẽ có 50 dự án đang triển khai với khoảng 3,21 triệu mét vuông sàn, khoảng 57.170 căn, trong đó thành phố đang tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 4/5 khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm với tổng quy mô sử dụng đất trên 200ha, tổng diện tích sàn nhà ở gần 1 triệu mét vuông sàn nhà ở, hơn 12.000 căn hộ. Với số lượng như trên, thành phố cơ bản đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ giao.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt.

Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian; việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công... Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Nằm giữa khu dân cư đông đúc tại quận Ba Đình, Hà Nội, khu đất này vốn là dự án đầu tư xây nhà ở để bán cho đối tượng thu nhập thấp từ hơn 10 năm trước. Hiện dự án đang được Thành phố xem xét chuyển sang làm nhà ở xã hội.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, lý do dự án này kéo dài nhiều năm vì dù mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm thành phố, nhưng đường vào lại quá hẹp. Cụ thể, lối vào chỉ khoảng hai xe máy đi vào tránh nhau được, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy là đường vào phải rộng 3,5 m.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng số các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn Thành phố là 69 dự án. Vướng mắc của từng dự án đang được các Sở, ngành tập hợp, xem xét và xử lý sớm nhằm tăng thêm nguồn cung. Ngoài ra, Thành phố cũng tính tới việc rà soát, bổ sung khoảng 15 quỹ đất để tạo lập các khu nhà ở xã hội độc lập.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP. Hà Nội nhận định: "Thời gian lâu nhất vẫn là lựa chọn chủ đầu tư. Theo hình thức về đấu thầu, mất gần hai năm. Kiến nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục, giảm các bước thực hiện".

Hiện nay, TP. Hà Nội quy định, các dự án phát triển nhà ở thương mại phải dành 25% diện tích làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án vẫn chậm triển khai.

Cần giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách

Trước những khó khăn đã được nhận diện rõ, UBND thành phố Hà Nội đã lồng ghép việc tổ chức triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối lượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" với việc chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý, Luật Thủ đô năm 2024, tại Khoản 2 Điều 29 đã cho phép HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Việc phân quyền này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng lợi nhuận để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Để hiện thực hóa Điều 29 Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định, kế hoạch giao các sở, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định một số chính sách về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lập kế hoạch xây dựng Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn Hà Nội. Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện để dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 12/2025.

Tham luận tại Diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển" ngày 16/11 vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, thành phố đã phân chia 3 nhóm dự án để phân công cụ thể tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Trên địa bàn Hà Nội đang triển khai 4 dự án khu nhà ở xã hội tập trung với tổng quy mô sử dụng đất trên 200ha, khoảng gần 1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội và tại các ô đất thuộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải bàn giao quỹ đất (20% và 25%) theo quy định.

Thành phố cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát, bổ sung khoảng 15 quỹ đất để tạo lập các khu nhà ở xã hội độc lập với quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng; trong đó đề xuất lựa chọn 2-3 khu có vị trí gần các khu vực công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công....

Với những giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến những tháo gỡ sát với thực tiễn, Tp. Hà Nội kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mới về nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu lớn của người có thu nhâp thấp, công nhân các khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn...

Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000 m2 sàn.

Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4/5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.

Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Thủ đô cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê.

Thùy Chi

Top