Hà Nội thông qua Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện

02/07/2024 5:47 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội thông qua Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện- Ảnh 1.

Hà Nội thông qua Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện. Ảnh: Internet

HĐND TP. Hà Nội thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố; đồng thời đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến: Quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiên vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức liên quan đến sản xuất, nhập khẩu quản lý, vận hành khai thác phương tiện giao thông hiệu suất cao, sử dụng điện, năng lượng xanh...

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND Thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ thực tế của Thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Hiện nay, Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng/ năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.

Đề án được xây dựng dựa trên Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí mêtan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030.

Diệu Anh

Top