Hà Nội thông qua kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế

22/03/2022 6:44 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.

Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII từ 7.5%-8,0%, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng.

Bảo đảm các cân đối vĩ mô; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

Hà Nội thông qua chương trình hành động để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Dần, Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Ảnh: Minh Anh

Thành phố cũng đặt mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, UBND TP. Hà Nội xác định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Một trong những giải pháp quan trọng của Kế hoạch hành động là Hà Nội sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính triển khai thực hiện tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phần đấu sớm hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp: hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biển đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tại.

Việc lựa chọn và phân bố vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 02 năm 2022 và 2023, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính

Về cải cách hành chính, UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ ngành triển khai thực hiện rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến. 

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bển vững. 

Khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.

Các cấp, các ngành cũng cần điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chí, giảm bội chỉ để đạt được các chi tiêu trong Kế hoạch tải chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trưởng hợp có biến động, rủi ro lớn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cân đối giải pháp tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3-2022 của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung cao độ thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặt ra với địa bàn Thủ đô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025".

Về phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, địa phương phải tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công, chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng, tạo sức bật trong năm 2022. Có những ngành hàng đã thích ứng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, do đó, cần quyết liệt và khẩn trương hoàn thiện kịch bản tăng trưởng của các cấp, các ngành, đơn vị, tránh kế hoạch có tính "trên giấy", không khả thi trong thực tiễn. Các ngành, các cấp tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.

"Đây là năm đặc biệt, UBND thành phố có niềm tin sang quý II-2022 sẽ đạt được kết quả tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển dài và rộng hơn cho Thủ đô", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu và nhấn mạnh, với tinh thần này, cần quyết tâm cao độ nhất, chung sức, đồng lòng, thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong quý I và cả năm 2022.

Minh Anh

Top