Hà Nội: Thu hút đầu tư với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp
(Chinhphu.vn) - Thu hút đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp luôn được lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong nhiều năm qua.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại những thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TPHCM. Là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; đồng thời là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới nên Hà Nội có nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài
Trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp cuối năm 2022, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ: "Giúp doanh nghiệp là giúp chính mình" và khẳng định Hà Nội sẽ luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 là 1.692 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2021.
Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trên 29.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt trên 328 nghìn tỷ đồng.
Những thành tựu vượt khó và sự tăng trưởng GRDP đạt 8,89% của Hà Nội năm 2022 được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, trong thành công đó có đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đóng trên địa bàn.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản với các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp lữ hành; đẩy nhanh thẩm định phê duyệt hồ sơ các dự án xây dựng; thực hiện giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…
Riêng năm 2022, Hà Nội bố trí trên 221,7 tỷ đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao kiến thức nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn; thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ thông tin pháp lý, chủ trương chính sách; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại địa bàn Hà Nội; hỗ trợ kinh phí xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ…
Một trong những giải pháp thu hút đầu tư của Hà Nội trong thời gian qua là cải cách TTHC. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, TTHC về đăng ký doanh nghiệp đầu tư được hỗ trợ một cách tối đa để doanh nghiệp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, đứng đầu cả nước về thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng điện tử. Cụ thể, duy trì tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt tỷ lệ 100%; phấn đấu cắt giảm thời gian giải quyết, phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết đối với thủ tục đơn giản.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ, từ ngày 1/1/2023, TP. Hà Nội chính thức thực hiện phân cấp, phân quyền, đưa quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho cấp cơ sở để cải cách hành chính hiệu quả hơn, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục.
Cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Cuối năm 2022, thời điểm sau dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội được đánh giá có sự phục hồi tích cực. Tuy nhiên, tiếng nói từ đại diện các doanh nghiệp đến UBND TP. Hà Nội đều có chung kiến nghị khó khăn về khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn ưu đãi.
Trong cuộc đối thoại cuối năm 2022, phản ánh từ các doanh nghiệp gửi UBND Thành phố đều có chung đề nghị các quỹ đầu tư, các tổ chức tín dụng sớm đưa nguồn vốn ưu đãi tới các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tránh tình trạng "nước chảy chỗ trũng", vốn lại dồn hết về các doanh nghiệp lớn.
Còn từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đề nghị Thành phố tiếp tục miễn giảm thuế, tiền thuế đất năm 2023, thuế thu nhập để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; sớm hoàn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp đã đủ hồ sơ; ban hành mức lãi suất cho vay hợp lý năm 2023 vì biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện nay rất thấp.
Doanh nghiệp cũng nêu kiến nghị các cơ quan trung ương cần ban hành chính sách và kế hoạch hỗ trợ dài hơi hơn, như giảm, giãn, gia hạn thuế; giảm lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước; hình thành các chuỗi liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt công tác về thúc đẩy bán hàng, thương mại điện tử…
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, những khó khăn về vốn được doanh nghiệp phản ánh sẽ được Hà Nội cải thiện để đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2023.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố đã nhấn mạnh, về phía ngành thuế cần nhanh chóng thực hiện công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp, bởi "sớm một ngày là cứu sống doanh nghiệp một ngày". Các sở, ngành dù khối lượng công việc rất nhiều cũng cần cố gắng, nỗ lực giải quyết các thủ tục một cách nhanh nhất.
Các tổ chức tín dung cần cập nhật thường xuyên, nắm bắt các vấn đề trong cho vay, không để tình trạng đình trệ dòng tiền, quyết tâm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp đánh giá rằng chỉ nói "xuông".
Trong năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt ra loạt giải pháp trọng tâm và các doanh nghiệp cũng mong đợi Thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bài 2: Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Gia Huy