Hà Nội thu hút vốn đầu tư hiệu quả

15/06/2017 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn đăng ký ngoài ngân sách nhà nước ước đạt trên 190 nghìn tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội, trong các dự án thu hút vốn đầu tư, có 58 dự án ngoài ngân sách trong nước với trên 34 nghìn tỷ đồng; 24 dự án thu hút theo hình thức PPP đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Toàn Thành phố có 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký trên 1 triệu USD, tương đương trên 23 nghìn tỷ đồng (bằng 55,2% so với cùng kỳ năm 2016).

Cũng trong 6 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội là trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký trên 101 nghìn tỷ đồng.

Một kết quả tích cực khác là trong đầu tháng 6/2017, Hà Nội đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ. Tại đây, Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD. Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông quy mô 9,5 ha và tổng vốn đầu tư 200 triệu USD cho Tập đoàn AEON. Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn AEON tổ chức tuần hàng Việt Nam-Hà Nội thường niên trong thời gian 20 năm.

Để đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư là cả sự nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp và quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn bên ngoài, Hà Nội đã và đang thực hiện đổi mới toàn diện và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian trả kết quả cũng như số lần người dân và doanh nghiệp đi lại.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tứ, khó khăn trong sản xuất kinh doanh của Hà Nội được quan tâm tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng; thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý khó khăn, vướng mắc trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn tồn đọng,...

Một trong những yếu tố thu hút đầu tư là Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đến nay đã đạt 70%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,04%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch điện tử đạt 96,02%.

Cải cách thể chế và cải cách TTHC tiếp tục được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Các đoàn kiểm tra công vụ đã kịp thời chấn chỉnh lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan hành chính nhà nước.

6 tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kỉnh tế; đẩy mạnh đấu giá đất, tạo thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đẩy mạnh thu hút và giải ngân đầu tư trong nước và các dự án ODA, FDI.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Văn Tứ, Hà Nội tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường, kiềm chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Ngoài ra, tích cực cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu, những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ quốc tế tại các thị trường lớn và thị trường mới, đón các đoàn nước ngoài vào giao thương với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hà Nội.

Gia Huy

Top