Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế, đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

24/02/2025 12:51 PM

(Chinhphu.vn) - Trong kỳ họp thứ 21 sắp diễn ra, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, thông qua Tờ trình của UBND Thành phố báo cáo “Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên”.

Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế, đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên- Ảnh 1.

Hà Nội đặt ra các điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trở lên - Ảnh minh họa: VGP

Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, năm 2024, tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2024 là 513.252 tỷ đồng, đạt 125,6% dự toán, tăng 24,7% so với năm 2023. Chi ngân sách địa phương là 128.010 tỷ đồng, đạt 89,8% dự toán, tăng 15,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,25%.

Thành phố hoàn thành 22/24 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch; có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Chỉ số CPI (tăng 4,25% - mục tiêu là dưới 4%); Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng (đạt 20% - kế hoạch là 22-25%)

Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hàng Đảng bộ Thành phố khóa XVII và kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI tổ chức vào cuối năm 2024 đã thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế; sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế trong nước và kế thừa, phát huy kết quả đạt được năm 2024.

Theo đó, tại Báo cáo số 453/BC-UBND ngày 02/12/2024, UBND Thành phố đã trình 05 phương án tăng trưởng: 6,0%; 6,5%, 7,0%; 7,5%; 8,0%. Tại kỳ họp này, HĐND đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5% trở lên.

Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát các điều kiện cho tăng trưởng; để hoàn thành thực hiện mục tiêu GRDP tăng 8% Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu: GRDP tăng 8% trở lên (đạt 943,7 nghìn tỷ đồng, giá so sánh). Trong đó, dịch vụ tăng 8,6% trở lên (633,68 nghìn tỷ đồng); Công nghiệp tăng 7% trở lên (124,1 nghìn tỷ đồng); Xây dựng tăng 8,9% trở lên (79,3 nghìn tỷ đồng); Nông nghiệp tăng 3,1% trở lên (17,22 nghìn tỷ đồng); Thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên (93,0 nghìn tỷ đồng).

Các ngành, lĩnh vực đều được bổ sung tăng cao hơn năm 2024; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh ngành xây dựng, công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ.

(2) Quy mô GRDP (giá hiện hành) trên 1,55 triệu tỷ đồng (khoảng 64 tỷ USD); GRDP/người trên 175 triệu đồng (khoảng 7.200 USD). Vốn đầu tư xã hội khoảng 622,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành; chiếm 40% GRDP); kim ngạch xuất khẩu tăng 7% trở lên (khoảng 20,5 tỷ USD). (5) Chỉ số CPI kiểm soát dưới 5%.

Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội trình HĐND xem xét tại kỳ họp 21 sắp diễn ra, Thành phố sẽ quyết liệt hơn, đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án; phấn đấu đạt cao hơn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết số 58/NQHĐND ngày 10/12/2024 của HĐND Thành phố và đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tập trung nguồn lực để đạt tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn đảm bảo các cân đối vĩ mô, đồng thời kiểm soát lạm phát. - Huy động khối lượng lớn vốn đầu tư nhưng đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư; ưu tiên đầu tư tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới. - Tập trung vốn đầu tư cho tăng trưởng nhưng vẫn dành nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bức xúc dân sinh, đồng thời bảo tồn và phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.

UBND TP. Hà Nội cũng đưa ra các điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trở lên.

Cụ thể là, hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Tư duy mới, cách làm mới; một số chính sách thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai thực hiện hiệu quả ngay trong năm 2025.

Các động lực tăng trưởng truyền thống được đẩy mạnh và làm mới, tối đa hóa hiệu quả đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.

Các động lực tăng trưởng mới về: Mở rộng không gian phát triển, các mô hình tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị…), ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao… cũng được đẩy mạnh.

Gia Huy

Top