Hà Nội: Tích cực gia cố hộ đê, hỗ trợ bà con vùng lũ
(Chinhphu.vn) - Mực nước trên sông Bùi, sông Tích vẫn tiếp tục tăng lên, vì vậy các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… tích cực gia cố hộ đê và ứng cứu, hỗ trợ bà con nhân dân vùng ngập lụt khắc phục hậu quả do thiên tai.
Theo ông Phạm Quang Tuấn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thương tích và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, tính đến 6h30' sáng ngày 12/9, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc là 8,64 m trên mức báo động 3 là 0,64cm.
Mưa lũ đã gây ngập úng cho 8 xã trên địa bàn huyện, gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp, Hòa Thạch, Yên Sơn với 1.120 hộ, 4.655 nhân khẩu.
Tuyến đê Tả Tích đoạn qua xã Ngọc Liệp có hiện tượng bị rạn nứt dọc mặt đê khoảng 50 m, sâu khoảng 60cm. Một số tuyến đê bao, đê bối Tả Tích, Hữu Tích bị tràn với tổng chiều dài 7,6 km tại các khu vực: Liệp Mai xã Ngọc Liệp; Phú Bàn xã Phú Cát, Khoang Ông, Đồng Mạ xã Hòa Thạch; Gò Rồm xã Đông Yên; Minh Khai xã Cấn Hữu. Ngoài ra còn tràn một số điểm tại tuyến đê bao Đông Thượng, xã Đông Yên chiều dài hơn 300m.
Bên cạnh đó huyện có 7.900m đê bị ngập, 3.663m tường bao bị đổ, 255ha lúa bị ngập, 568ha lúa bị đổ, 36ha cây ngô và rau màu bị ngập…
Vì vậy, UBND huyện đã ban hành thông báo ngày 11/9 cấm các phương tiện giao thông qua các cầu, tuyến đường bị ngập lụt và nguy hiểm. Ban chỉ huy PCTT& TKCN huyện Quốc Oai đã huy động hơn 300 lượt người gồm Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông huyện, công an xã, thị trấn thực hiện các điểm chốt cấm phương tiện và điểm phân luồng giao thông.
Đối với các tuyến đê Tích tại các xã: Ngọc Liệp, Phú Cát, Hòa Thạch, Đông Yên một số điểm bị tràn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, UBND các xã đã huy động lực lượng hơn 900 lượt người dân quân tự vệ, nhân dân các thôn, xóm; huy động hơn 120 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102, Sư Đoàn 308, Z119… tham gia đắp bao tải đất chống tràn, huy động hơn 18.000 bao tải, 200 m3 đá, 300 m3 đất cát, 200 dọ đá. Các phương tiện máy móc gồm 18 máy múc, 115 cưa tay, dao 150 chiếc, xuồng máy 4 chiếc và 10 ô tô và các dụng cụ cuốc, xẻng của nhân dân…
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TCKN Quốc Oai cũng đã hỗ trợ các xã hơn 10.000 bao tải để thực hiện công tác chống tràn.
Ngay trong đêm qua (11/9) và rạng sáng ngày 12/9, huyện Quốc Oai đã huy động hơn 300 lượt người và vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" thực hiện đắp bao tải đất,cát tại tuyến đê bao Đông Thượng, xã Đông Yên.
Để hỗ trợ nhân dân, bảo đảm đời sống trong mùa bão lũ, Ban Chỉ huy quân sự bố trí lực lượng giúp dân đi lại ở khu vực bị ngập tại xóm Bến Vôi bằng ca nô. Lực lượng Công an huyện, xã thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân vùng lũ và tổ chức phân luồng an toàn giao thông các tuyến đường bị ngập. Ngoài ra rà soát, đặt rào chắn 8 cầu không đảm bảo an toàn, không cho các phương tiện qua lại. Đồng thời động viên, thăm hỏi và tặng quà cho một số các hộ dân bị ngập.
Theo ông Phạm Quang Tuấn, do hiện nay mực nước sông Tích đã trên báo động 3, các xã vùng ven sông Tích (Cấn Hữu, Phú Cát, Đông Yên, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp) đã có các thôn bị ảnh hưởng ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, các đơn vị và địa phương trên địa bàn huyện triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Nhất là tại các xã: Đông Xuân, Phú Mãn, Đông Yên, Phú Cát, Đồng Quang, Cộng Hòa nơi có các sườn đồi tập trung đông dân cư.
Đối với các xã có sự cố về đê như các xã: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Sài Sơn, Đồng Quang, Tân Hòa… sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
Tại huyện Chương Mỹ, theo ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi tính đến 6h30' sáng ngày 12/9 là 7,8m (15h30' ngày 11/9 mực nước là 7,68m); các hồ: Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu vẫn vượt ngưỡng tràn.
Bên cạnh đó có 15.880m đê bị ngập; 60m đê bị sạt lở; 26.220m đường giao thông nội đồng bị ngập; 22.160m đường giao thông nông thôn bị ngập; 2.344 số hộ bị ngập với 10.708 nhân khẩu; 3.842m2 công trình nhà ở, công trình phụ bị tốc mái, cây đổ vào; 2.525,8ha lúa bị ngập, đổ; 407,2ha cây ngô và rau màu bị ngập, đổ; 199 cột điện bị gãy, đổ…
Đến thời điểm hiện tại, huyện Chương Mỹ đã khôi phục hoàn toàn 27 lộ đường dây trung áp và 1 lộ đường dây khôi phục được một phần. Đồng thời đã khôi phục cấp điện được 22/22 trạm bơm tiêu úng và khôi phục cấp điện đến các hộ trên địa bàn huyện. Tổ chức giải tỏa kịp thời cây xanh bị đổ, gãy; vệ sinh môi trường; đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trường học.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tổ chức thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường đặc biệt là các xã thường xuyên bị ngập.
Đặc biệt, huyện Chương Mỹ đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão số 3 với số tiền 30 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân bị thương trong cơn bão số 3 với số tiền 8 triệu đồng.
Để bảo vệ người dân, toàn huyện đã huy động 4.652 người, gồm lực lượng tại chỗ; lực lượng quân sự; cán bộ chiến sỹ các đơn vị quân đội; 59.100 bao tải; 1.620m2 bạt; 7.856m3 đất đá; 129 phương tiện đắp chống tràn vào khu vực dân cư.
Tổ chức sơ tán 1.296 hộ với 5.444 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại xã Nam Phương Tiến-là vùng rốn lũ của Chương Mỹ, tính đến tối ngày 11/9, xã đã di dời được 687 hộ với tổng số 3228 nhân khẩu đến nơi ở an toàn. Nhiều hộ đã di dời đến nhà người thân, anh em họ hàng ở các nơi cao ráo trong xã. Đối với các hộ không có nơi di dời đến nhà người thân quen, chính quyền địa phương bố trí nơi ở tập trung tại Trụ sở Quân sự xã. Ngay khi đến nơi ờ an toàn, lãnh đạo huyện đã đến kiểm tra công tác sơ tán dân của xã và thăm hỏi, động viên bà con nhân dân an tâm tránh lũ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng đã cử đội Y tế cơ động phối hớp với UBND, cán bộ Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến tổ chức thăm hỏi tình hình sức khỏe, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh thường xảy ra trong mùa mưa bão.
Đối với các vị trí sạt lở đất đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức canh gác không cho người dân đi lại qua khu vực sạt lở ở xã Tiên Phương. Huyện cũng đã huy động lực lượng ứng trực 30 chiến sỹ, cùng lực lượng xung kích của xã, 01 xuồng máy để xử lý giờ đầu đê bao Gò Khoăm, xã Mỹ Lương; đã tổ chức sơ tán các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Do mưa lũ còn kéo dài, mực nước sông vẫn lên cao nên huyện Chương Mỹ luôn duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; các xã, thị trấn, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Kịp thời cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo.
Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ứng phó với ngập, lụt theo phương châm "4 tại chỗ" (kê kích tải sản, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men...).
Tổ chức cảnh báo nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ…. trên sông; tổ chức vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn điện khu vực ngập lụt. Chuẩn bị cấp nước sạch, lương thực thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm... cho nhân dân khu vực ngập lụt.
Thiện Tâm