Hà Nội tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
(Chinhphu.vn) - Kết quả công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa… của TP. Hà Nội đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, cơ sở vật chất và các thiết chế sinh hoạt văn hóa được kiện toàn.
Ảnh minh họa |
Phát huy nép đẹp văn hóa truyền thống
Trong 15 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hưởng ứng và triển khai thực hiện phong trào, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của Thành phố trung bình hằng năm đạt trên 85% (so với tổng số hộ dân). Năm 2016, có 86% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Hệ thống Câu lạc bộ “văn hóa gia đình” ở tất cả các quận, huyện, thị xã được duy trì với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng. Nhiều hoạt động tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu được chú trọng, đặc biệt trong các ngày kỷ niệm như: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3… Điều này cho thấy, gia đình văn hóa luôn kế thừa, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam.
Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” cũng là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Bên cạnh việc bảo đảm chất lượng trong quá trình đăng ký, kiểm tra, bình xét, công nhận thì việc tổ chức trao tặng, đón nhận danh hiệu tại các địa phương đã diễn ra long trọng và trở thành ngày hội văn hóa của các thôn, làng được công nhận, có tác dụng cổ vũ, động viên các thôn làng tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được, đồng thời là mục tiêu hướng tới của những thôn làng đang trong quá trình phấn đấu.
Dẫn đầu là huyện Thanh Oai tặng 30 triệu đồng cho làng văn hóa được công nhận lần đầu, 20 triệu đồng cho các đơn vị văn hóa và làng văn hóa được công nhận từ lần thứ 2; huyện Ứng Hòa tặng 20 triệu đồng cho các thôn làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Các huyện, thị xã đều tặng từ 5-15 triệu đồng cho những thôn làng đạt danh hiệu Làng văn hóa.
Trong 15 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng làng văn hóa đã có kế quả đáng ghi nhận khi năm 2002 toàn Thành phố có 102/640 (khoảng gần 16%) làng văn hóa thì đến năm 2016 đã có 1.401/2.523 (khoảng 55%) làng văn hóa.
Cùng với phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, việc xây dựng danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mô hình văn hóa đặc thù cho từng địa phương, đơn vị đã và đang phát huy tác dụng, không duy trì những mô hình văn hóa mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả. Việc bình xét, công nhận về cơ bản phải căn cứ tiêu chuẩn từ tổ dân phố văn hóa và bảo đảm trình tự, thủ tục đăng ký, bình xét, công nhận. Đến năm 2016, Hà Nội có 3.788/5.422 tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” đạt 70%.
Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Thực hiện theo định hướng cưới “Trang trọng-Vui tươi-Lành mạnh-Tiết kiệm” đã được sự ủng hộ của đại đa số các tầng lớp nhân dân, hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên thực tế, để thực hiện đúng, đầy đủ các quy định đó gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lý do về tập quán, quan hệ gia đình, anh em, họ hàng, đồng nghiệp và các tác động xã hội khác...
Trong những năm qua quy ước cưới đang từng bước phát huy tác dụng góp phần làm lành mạnh trong tổ chức cưới ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt. Hầu hết các đám cưới không còn sử dụng thuốc lá, chỉ tiến hành trong một ngày, không tổ chức nhiều ngày kéo theo ăn uống tràn lan… trong khu vực nội thành và trong khối cán bộ, công nhân viên chức sự chuyển biến còn quá chậm. Năm 2015, Thành phố có 46.993/50.592 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa (đạt 92.8%).
Trong việc tổ chức tang lễ, từ khi có quy ước, quy định việc tổ chức tang lễ hầu hết theo đáp ứng được tinh thần “Trang nghiêm-Tiết kiệm-Nghĩa tình”, các thôn, làng, tổ dân phố đã thành lập Ban tổ chức tang lễ thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với tinh thần quy ước, hương ước của địa phương, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan… được khắc phục. Các hủ tục trong tang lễ (lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc…) hầu như không còn. Đến nay, hầu hết các quận, huyện, thị xã không những vận động mà còn ban hành các chính sách hỗ trợ tích cực đối với các gia chủ thực hiện hình thức điện táng với tỷ lệ đạt được khá cao.
Huyện Đông Anh đã đi đầu trong hoạt động này bằng việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2008-2011 với 04 nội dung và 6 giải pháp: Không làm cỗ bàn mời ăn trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày và cải táng; xóa bỏ hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng (huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp).
Củng cố hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở
Hiện nay, Hà Nội có 24 thiết chế văn hóa thể thao thuộc quản lý của Thành phố; có 29/30 quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa thể thao phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; cấp xã có 105/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 236 thư viện cấp xã, phường. Còn lại có 386 xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã...
Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số Trung tâm Văn hóa-Thể thao được đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân. 201/386 xã được cộng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 100% các xã được công nhận có hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao thôn cơ bản bảo đảm theo tiêu chí được quy định.
Việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của TP. Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.
Gia Huy