Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ở

16/11/2023 3:17 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 06/9/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang phát triển đô thị và kinh tế đô thị” giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ở, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thực hiện Chương trình "Chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" trong 9 tháng năm 2023, nhiều tiêu chí quan trọng liên quan đến quy hoạch, xây dựng và nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ở- Ảnh 1.

Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ở. Ảnh minh họa

Theo đó, nhiều tiêu chí quan trọng liên quan đến quy hoạch, xây dựng và nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 9 tháng năm 2023 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đối với chỉ tiêu "Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 tại 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng". Ban chỉ đạo Chương trình tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Thực hiện các tiêu chí lên quận theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, 5 huyện đã tích cực thực hiện biện pháp để hoàn thành các chỉ tiêu huyện lên quận.

HĐND TP đã thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh tại kỳ họp lần thứ 12 (tháng 7/2023), Nghị quyết thành lập quận Gia Lâm tại kỳ họp lần thứ 13 (tháng 9/2023). Tuy nhiên, 3 huyện còn lại hiện nay còn một số chỉ tiêu gặp khó khăn, vướng mắc (huyện Hoài Đức đạt 27/31 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 25/31 tiêu chí; huyện Đan Phượng đạt 21/31 tiêu chí).

Chỉ tiêu "Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.

Đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án và 6 Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư của 11 dự án đang triển khai (10 chung cư đã lựa chọn được chủ đầu tư và 1 chung cư UBND TP đang xem xét chấp thuận chủ đầu tư) thuộc danh mục các dự án cần rà soát tại Kế hoạch số 335/KH-UBND. Đến nay, 3 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác; Tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện 8 dự án.

Chỉ tiêu "Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954". Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2021- 2023) gồm 12 biệt thự và 7 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Các đơn vị đã cải tạo, chỉnh trang xong 9/12 biệt thự, hiện đang chỉnh trang 3/12 biệt thự (dự kiến hoàn thành năm 2024), đã cải tạo xong 5/7 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, hiện đang chỉnh trang 2/7 công trình (dự kiến hoàn thành năm 2024).

Giai đoạn 2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4/4/2023 về tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang (gồm 24 biệt thự cũ, 8 công trình kiến trúc khác). Dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ bảo tồn, chỉnh trang xong 36 biệt thự, 15 công trình kiến trúc khác (vượt chỉ tiêu kế hoạch 20 công trình được giao theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy).Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 3 kế hoạch; Sở Xây dựng Hà Nội có 3 văn bản triển khai giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan.

Chỉ tiêu "Tỉ lệ đô thị hóa 60 - 62%". Với việc HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh (dân số khoảng 392.360 người) và quận Gia Lâm (dân số khoảng 286.102 người) thì tỉ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt khoảng 57,6%. Trong thời gian tới, tiếp tục đôn đốc 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận để đạt chỉ tiêu tỉ lệ đô thị hóa 60 - 62%.

Chỉ tiêu "Diện tích nhà ở bình quân/người toàn thành phố Hà Nội đạt từ 27,6 - 29,5m/người; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng: 25.000 căn hộ. Đối với chỉ tiêu này, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, diện tích nhà ở bình quân người toàn thành phố đạt 28,6m2/người; Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển theo dự án mới đạt khoảng 1.931.014m2 sản nhà ở. Trong 9 tháng năm 2023 đã hoàn thành 152.250m2 sàn nhà ở, 812 căn hộ, trong đó: Nhà ở thương mại 127.290m2 sàn, 500 căn hộ; Nhà ở tái định cư 24.960m2 sàn, 312 căn hộ (chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành).

Chỉ tiêu "Triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh". Các đơn vị chuyên môn tiếp tục đôn đốc tiến độ 3 dự án: Đã cơ bản hoàn thành Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Thành phố thông minh và dự kiến khởi công vào quý IV/2023; Đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án Khu đô thị Đông Anh.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 đang tích cực chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ tiêu "Diện tích nhà ở bình quân/người toàn TP đạt từ 27,6 - 29,5m/người; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng: 25.000 căn hộ"; chỉ tiêu "Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954" và một số chỉ tiêu khác.

Nâng cấp, xây mới công viên, vườn hoa, nâng cao đời sống cho người dân

Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU, ngày 06/9/2021 của Thành ủy về "Chỉnh trang phát triển đô thị và kinh tế đô thị" giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó đã xác định cải tạo, nâng cấp 13 công viên, 32 vườn hoa hiện có và đôn đốc hoàn thành 6 dự án xây dựng các công viên mới.

Thứ nhất với 4 công viên do Sở Xây dựng quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Như đã trả lời ở trên, đối với 3 công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các công viên và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Đối với công viên Hòa Bình thì Sở Xây dựng đang rà soát lập danh mục các hạng mục cần sửa chữa bằng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt để thực hiện. Trong quá trình thực hiện đến nay chưa phát sinh những vấn đề về cơ chế phối hợp cần đề xuất bổ sung, sửa đổi.

Thứ 2, với 6 công viên xây dựng mới gồm: (1) Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1; (2) Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội, quận Cầu Giấy; (3) Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông; (4) Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, huyện Đông Anh; (5) Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì; (6) Công viên hồ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm. Ngoài ra còn có 3 công viên: (1) Công viên Thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông; (2) Công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; (3) Công viên Hữu nghị quận Bắc Từ Liêm.

Chúng tôi dự kiến trong thời gian từ năm 2023 - 2024 hoàn thành đưa vào sử dụng 3 công viên: Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1; Công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; Công viên Thiên văn học, quận Hà Đông. Các công viên còn lại đều gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ chí tại các địa phương chưa hoàn thành nên các dự án này chưa bàn giao được 100% mặt bằng để thi công hoàn thành.

Đẩy mạnh công tác cải tạo, xây mới vường hoa, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thường xuyên đôn đốc UBND các quận, huyện có dự án công viên và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành phục vụ nhân dân.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Có thể nói, các công viên như lá phổi của đô thị.

Thủ đô Hà Nội hiện nay có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do Thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý là nơi vui chơi giải trí, tham quan cho người dân, du khách.

Phần lớn các công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử, hình thành đã lâu. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố đã xuống cấp, hư hỏng; diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị đã lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước thực trạng trên, để kịp thời có những giải pháp, UBND thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp để duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Trong đó đã xác định cải tạo, nâng cấp 13 công viên, 32 vườn hoa hiện có và đôn đốc hoàn thành 6 dự án xây dựng các công viên mới.

Đến nay, một số công viên, vườn hoa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (gồm 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa Hồ Trúc Bạch (Ba Đình); Vườn hoa Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm); Vườn hoa Ngọc Lâm (Long Biên); Vườn hoa Lê Trực (Ba Đình)…) và nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn, cũng như người dân Thủ đô…

Khi hệ thống công viên được chỉnh trang và xây mới hoàn thiện sẽ góp phần làm tươi mới diện mạo Thủ đô, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần tạo sức hấp dẫn của thành phố Hà Nội không chỉ với nhân dân cả nước mà còn cả với khách quốc tế.

Thùy Chi

Top