Hà Nội tiếp tục Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài
(Chinhphu.vn) - Thành ủy Hà Nội vừa ra Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đồng ý chủ trương về nguyên tắc tiếp tục thực hiện kéo dài Để ăn thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (Chứng chỉ A-Level).
Chương trình thí điểm được triển khai tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2023 - 2024 đến năm học 2026 - 2027 theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố tại Tờ trình số 102-TTr/BCSĐ ngày 19/4/2023, đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo thống nhất chủ trương tại Văn bản số 928/BGDĐT- GDTrH ngày 08/3/2023.
Để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng phương án, tổ chức tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đối với học sinh theo học hệ song bằng tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam bảo đảm theo đúng quy trình, quy định và tiến độ thời gian với đối tượng là học sinh đã kết thúc học chương trình đào tạo song bằng theo Đề án thí điểm đã được triển khai tại một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất mô hình phù hợp để phát triển giáo dục Thủ đô tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật... Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế;
Xây dựng mức học phí đối với học sinh hệ song bằng được tuyển sinh theo Đề án thí điểm trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền;
Ban cán sự đảng UBND Thành phố sẽ chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xử lý và hạch toán số kinh phí còn dư từ nguồn thu học phí song bằng sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023 của 02 trường: Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nghiên cứu bổ sung vào Luật Thủ đô (sửa đổi) các quy định, tiêu chỉ, loại hình liên kết đào tạo để phát triển bền vững giáo dục Thủ đô và hội nhập quốc tế.
Từ năm học 2017-2018, Hà Nội thí điểm đào tạo chương trình song bằng trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A Level) tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An.
Năm học 2018-2019, Hà Nội có thêm 7 trường triển khai chương trình, gồm Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (ở cả hai khối trung học cơ sở và trung học phổ thông) và 6 trường trung học cơ sở, gồm: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm chương trình này.
Ngày 9/6/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định kéo dài thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đến hết năm học 2022-2023.
Từ năm học 2021-2022, Hà Nội không tổ chức tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng. Hiện tại, đề án đào tạo song bằng tại cấp trung học cơ sở còn 2 khóa học sinh; còn ở hai trường trung học phổ thông (chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An) sẽ kết thúc thí điểm vào năm học 2023-2024.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, xuyên suốt quá trình triển khai, học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, Tiếng Anh, năng lực tư duy và kỹ năng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình quốc tế Cambridge. 100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả Học lực Giỏi và Hạnh kiểm tốt. Đề án là mô hình mới trong việc thí điểm đào tạo tích hợp giữa chương trình phổ thông Việt Nam với chương trình quốc tế tại trường trung học công lập. Việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm liên kết đào tạo tại các trường THPT công lập đáp ứng tiêu chí xã hội hoá cũng như nhu cầu xã hội và tiệm cận nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn về đội ngũ nhân sự, chương trình giảng dạy, tuyển sinh, cơ sở vật chất, và công tác tài chính. Đội ngũ quản lý, điều phối và giáo viên dạy chương trình Việt Nam đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi; còn phải kiêm nhiệm các công việc khác trong nhà trường nên chưa có quỹ thời gian tham gia đào tạo và tự trau dồi nghiên cứu để tìm hiểu sâu về chương trình và hỗ trợ hiệu quả cho học sinh. Tuyển chọn giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và chuyên môn cũng là trở ngại với các trường, đặc biệt trong những năm học giai đoạn dịch bệnh COVID. Học sinh khối song bằng học đồng thời hai chương trình, lịch học dày, khối lượng kiến thức lớn nên thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khoá và trải nghiệm.
Đầu tháng 1/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất UBND thành phố phê duyệt đề án thực hiện cho những năm tiếp theo và mở rộng quy mô lớp song bằng tại 2 trường trung học phổ thông là chuyên Hà Nội – Amsterdam và Chu Văn An; xem xét, phê duyệt cơ cấu, chế độ chính sách các nhân sự liên quan; có kế hoạch bảo đảm nguồn giáo viên và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…
Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp trung học phổ thông đầu tháng 1 năm nay do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, ý kiến của đại diện cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh các trường đều khẳng định kết quả tích cực khi tham gia đề án và có chung mong muốn đề án tiếp tục được triển khai và mở rộng quy mô trong những năm học tiếp theo.
Minh Anh