Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
(Chinhphu.vn) - Trong tháng 10/2024, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn được kiểm soát tốt, phần lớn các dịch bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 10, hầu hết các dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 14/9 có 4.160 trường hợp mắc bệnh, giảm 80%; tay chân miệng có trên 2.180 trường hợp, giảm 67 trường hợp; liên cầu lợn 9 ca, giảm 6 ca mắc bệnh; thủy đậu trên 800 ca mắc, giảm trên 1.210 ca mắc bệnh; uốn ván 17 ca, giảm 5 ca mắc bệnh; rubella 1 ca, giảm 6 ca mắc bệnh…
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, công tác tiêm chủng mở rộng phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm được duy trì. Toàn Thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi bắt đầu từ ngày 14/10 với khoảng 70 nghìn đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định. Cho đến ngày 17/10, đã có hơn 23.000 mũi tiêm đã được thực hiện.
Công tác phòng chống suy dinh dưỡng đã đạt được chỉ tiêu Thành phố giao, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,8 (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2023); thể nhẹ cân là 6,6%, giảm 0,2%; kiểm soát tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi đạt 0,4% và không chế tỷ lệ thừa cân béo phì là 1,2% và đều bằng so với cùng kỳ.
Thành phố hiện còn trên 14.860 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có trên 13.460 người được duy trì điều trị ARV đạt 90,5%; 8980/9049 bệnh nhân (99,2%) có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế trên tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus.
Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được duy trì như cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm khẳng định HIV tại các cơ sở y tế; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân…
Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện như: Đề án Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh; Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cũng như các hoạt động phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, toàn Thành phố có gần 69.500 trẻ được sinh ra, số trẻ là con thứ ba trở lên là gần 4600 trẻ, giảm hơn 320 trẻ so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 6,6%. Số người cao tuổi được khám sức khỏe gần 1,2 triệu, đạt xấp xỉ 83%. Gần 80.400 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt tỷ lệ 84,97%; gần 60 nghìn trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh, đạt gần 86%. Tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai mới gần 435 nghìn người đạt trên 107% kế hoạch.
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trường học, trong đó có 15 cơ sở đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu. Kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống khu vực sân bay trên địa bàn thành phố, trong đó có 12 cơ sỏ đạt, xét nghiệm nhanh đạt 190/190 mẫu.
Với những kết quả đạt được, trong tháng 11, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động chuyên môn để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực quản lý. Thực hiện cân đo sàng lọc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi; tư vấn, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.
Thiện Tâm