Hà Nội: Tiếp tục lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi)

18/07/2023 5:43 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần thứ hai".

Hà Nội: Tiếp tục lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn: Nếu Dự thảo Luật được thông qua, đây sẽ là công cụ hiệu quả để Hà Nội huy động nguồn lực, khai thác triệt để tối đa những ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô...Ảnh: VGP/DA

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nội dung Dự thảo Luật lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần thứ nhất; dự kiến tháng 5/2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Luật.

Như vậy, có gần 1 năm để chuẩn bị dự thảo đồ sộ, bao quát hết tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, kinh tế của Thủ đô. Hà Nội là đô thị đặc biệt, có những định hướng để phát triển đô thị, xác định Hà Nội là đầu tàu, trung tâm dẫn dắt, phát triển đồng bằng sông Hồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP. Hà Nội, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của Thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính… và tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực.

"Nếu Dự thảo Luật được thông qua, đây sẽ là công cụ hiệu quả để Hà Nội huy động nguồn lực, khai thác triệt để tối đa những ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; giải quyết được các vấn đề bức xúc của Thành phố như vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị theo hướng văn minh, văn hiến, hiện đại…", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Hà Nội là đô thị đa chức năng, loại đô thị đặc biệt. Vị trí, vai trò trước hết và quan trọng bậc nhất của Thủ đô là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia", rồi đến "là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ" và "là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước".

Vì thế, Thủ đô Hà Nội phải tập trung thực hiện và làm tốt lần lượt các nhiệm vụ cơ bản sau: Xây dựng và quản lý đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến; phát triển giáo dục và khoa học công nghệ cao, công nghệ lõi; phát triển kinh tế, tập trung du lịch, dịch vụ về tài chính, khoa học và công nghệ, trong đó chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ sạch... Hạn chế phát triển công nghiệp.

Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm đó, Thủ đô Hà Nội phải có sự đột phá về xây dựng chính quyền đô thị, trong phân cấp, phân quyền; cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực, tài chính, giao thông đô thị... Đồng thời, không đặt nặng sức ép về phát triển kinh tế.

TS Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đánh giá, Dự thảo Luật lần này cụ thể hơn về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô, cụ thể hóa mục tiêu Thủ đô "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại" trong nền kinh tế xanh, kinh tế số "có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực", cần bổ sung thêm một số vấn đề theo tinh thần có các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong bảo vệ môi trường…

Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, từ nay đến khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, Thành phố mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.

Diệu Anh

Top