Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan
(Chinhphu.vn) - Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, công tác theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan.
Đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp, tháng 8/2023, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 24 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Qua gần 1 năm triển khai Chỉ thị 24, Hà Nội đã tăng kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan.
Triển khai Chỉ thị này, việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố đã được thực hiện qua nhiều nội dung như: Xây dựng chương trình công tác; trong hoàn thiện quy chế; theo dõi đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ...
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Thành phố đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ, sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với các đề án lớn có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, UBND Thành phố đã phân công một đồng chí lãnh đạo Ủy ban chịu trách nhiệm chỉ đạo, các đồng chí thành viên khác có trách nhiệm phối hợp, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và phát huy được trách nhiệm cá nhân.
UBND Thành phố tăng cường đi kiểm tra hiện trường, cơ sở, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt và kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay tại cơ sở.
Từ tháng 01/2023, toàn cơ quan khối chính quyền Thành phố đã đưa vào khai thác sử dụng dùng chung Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố, Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành nội bộ; duy trì kết nối liên thông 4 cấp chính quyền phục vụ việc tra văn bản điện tử giữa Trung ương và các cấp chính quyền Thành phố qua trực liên thông văn bản Quốc gia.
Việc khai thác, vận hành các Hệ thống nêu trên góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang mô hình chính quyền số - công dân số, kết nối, cung cấp thông tin dữ liệu, dịch vụ trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Đây là căn cứ xem xét, đánh giá tình hình thực thi công vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.
Hiện nay, toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố được ứng dụng chữ ký số cá nhân người có thẩm quyền, luân chuyển xử lý hoàn toàn trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố.
Qua đó giám sát việc xử lý, giải quyết công việc, TTHC đảm bảo thời hạn, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí hành chính như giấy in, mực in tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố (dự kiến Thành phố tiết kiệm được hàng năm khoảng 160 tỷ đồng).
Tháng 2/2024, Thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố. Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố.
Dự kiến trong năm 2024, Hà Nội tổ chức thực hiện dự án phát triển mở rộng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố tới các cơ quan khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trên toàn Thành phố; kết nối với phần mềm quản lý, điều hành trên mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng Trung ương (Lotus Note)
Xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ
Trong kỳ họp HĐND TP. Hà Nội tháng 7/2023, báo cáo của HĐND chỉ rõ, việc thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung. Việc ban hành quy trình nội bộ của các cơ quan còn hạn chế, thậm chí chưa ban hành quy trình.
Tại kỳ họp này, đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã nêu một số Sở có những lĩnh vực quản lý tác động rất lớn đến CCHC hiện nay lại đang thiếu các quy trình nội bộ. Cụ thể ở các Sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng…
Tính đến cuối năm 2023, triển khai kế hoạch của UBND Thành phố về rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành đã phê duyệt gần 500 quy trình giải quyết công việc nội bộ; cấp huyện ban hành gần 1.800 quy trình giải quyết công việc nội bộ; cấp xã ban hành gần 3.000 quy trình giải quyết công việc nội bộ; 129 quy trình liên thông giải quyết công việc nội bộ giữa UBND cấp xã và UBND cấp huyện.
Đến nay, việc xây dựng, rà soát, sửa đổi nội quy, quy chế, quy trình làm việc, quy trình giải quyết công việc nội bộ đang tiếp tục được các cơ quan thực hiện.
Đôn đốc khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác quản lý
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, tại hội nghị kiểm điểm công tác các năm, Ban cán sự UBND Thành phố thẳng thắn chỉ ra nhóm tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực điều hành kinh tế-xã hội của Thành phố cần tiếp tục quyết tâm tập trung khắc phục, đổi mới trong năm tiếp theo.
Lấy kết quả việc triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế là một tiêu chí về mức độ hoàn thành công việc phục vụ cho công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng, hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều kế hoạch cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trên từng lĩnh vực của Thành phố, như: Kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính và công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố; tổ chức thực hiện thu NSNN; tiến độ công tác lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị - xã trên địa bàn Thành phố; công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; công tác phòng cháy, chữa cháy...
Qua 1 năm triển khai Chỉ thị 24 của Thành ủy, Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, công tác theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả cụ thể. Tiếp tục triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, coi đây là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Gia Huy