Hà Nội triển khai đồng bộ quy hoạch khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống
(Chinhphu.vn) - Tiến tới thực hiện hóa định hướng lớn trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP. Hà Nội đang tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.
Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô
Cụ thể, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Với mục tiêu, tính chất đặc trưng của hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống được quy định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, khu vực có yếu tố cảnh quan, văn hóa, lịch sử đa dạng, trong bối cảnh hiện trạng tồn tại phức tạp và quy định pháp luật chặt chẽ, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức triển khai quyết liệt việc lập, thẩm định.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt đối với 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị quan trọng: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng tỉ lệ 1/5000 và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống tỉ lệ 1/5000.
Để triển khai cụ thể hoá hai quy hoạch này, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương lập bản vẽ ranh giới, lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Bên cạnh đó, kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo Quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai Quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của Pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch phân khu được duyệt.
Song song với quá trình tổ chức triển khai lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với khu vực có giá trị đặc biệt là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo công tác thi tuyển quốc tế và lập đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng gốm sứ Bát Tràng, tỉ lệ 1/500.
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết, hiện Sở đang khẩn trương phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án, bảo đảm theo quy định để đủ điều kiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đồ án có tính chất đặc thù, phức tạp, lần đầu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như cả nước.
Hiện TP. Hà Nội cũng đã có chủ trương thi tuyển chọn phương án, mời tư vấn nước ngoài thực hiện một số đồ án nhằm nâng cao tính khả thi, tiếp cận công nghệ hiện đại kết hợp bảo tồn các giá trị truyền thống, phát triển du lịch.
Bảo đảm các yêu cầu tiên quyết cho hệ thống sông
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong công tác quy hoạch khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn TP. Hà Nội. Cụ thể, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông được tổ chức mới đây, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nêu, sau 3 năm Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống được phê duyệt nhưng 13 quận, huyện nằm trong phạm vi quy hoạch vẫn chưa hoàn thành lập Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đến nay, trên cơ sở ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã rà soát, báo cáo và cho thấy gặp khó khăn nhất định liên quan đến các quy định của Luật Đất đai qua các giai đoạn, như vướng mắc về bảo đảm kỹ thuật trong phạm vi ranh giới hành lang thoát lũ. Để vạch được không gian hành lang thoát lũ với các sông khó thực hiện trên thực địa nếu không có phác đồ, phép đo cụ thể.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh kỳ vọng, thời gian tới, khi Quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt, các nội dung cụ thể hóa các khu vực dân cư ngoài bãi theo Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, cũng như theo Quy hoạch Thủ đô sẽ sớm được triển khai để sớm ổn định tình hình đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng cho các đối tượng công trình, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ cho người dân.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho hay, Luật Thủ đô định hướng lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô để sông Hồng trở thành "trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố. Khi triển khai cụ thể các quy hoạch này, các quy hoạch chi tiết cần bảo đảm yêu cầu tiên quyết là sông Hồng phải có đủ không gian cho nước chảy và nước phải sạch.
Sẽ xây dựng thêm một số đập trên sông Hồng, sông Đuống
Để thực hiện tốt mục tiêu quản lý đê điều, hành lang thoát lũ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thành phố Hà Nội sẽ xây dựng một số đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống. Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các dòng sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét.
Trước dự kiến Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tình hình triển khai nghiên cứu xây dựng các đập này; giải pháp nào cần tham mưu UBND thành phố để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết, hiện đang xác định sông Hồng là một trục xanh quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là xây dựng thêm ba đập trên sông, với mục tiêu cải thiện môi trường và chất lượng nước tại các dòng sông nội đô. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực phối hợp với Viện Kinh tế để nghiên cứu và triển khai các giải pháp giúp làm "sống lại" các dòng sông nội đô. Tập trung xác định vị trí xây dựng các trạm bơm nước kỹ thuật cao để đưa nước từ sông Hồng và sông Nhuệ vào các dòng sông nội đô, điển hình như sông Tô Lịch, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích, chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống, tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín… tiềm ẩn nguy cơ lở bờ, bãi sônh công trình bảo vệ bờ sông và gây ô nhiễm, ngoài ra có hiện tượng đổ thải, san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ.
Liên quan đến tiến độ rà soát các trường hợp vi phạm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, nhiều năm qua, khu vực ven sông đã chứng kiến sự tồn tại của không ít bãi trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm gần đây, các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp xử lý nghiêm, chấm dứt hoạt động của nhiều bãi trái phép.
Thời gian tới, các quận, huyện cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh các vị trí các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng để bảo đảm phù hợp với yêu cầu về môi trường, giao thông và phát triển kinh tế. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để tính toán lại các vị trí này sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh lâu dài, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ có những điều chỉnh bổ sung.
Trước thực tế nhu cầu sử dụng lâu dài các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần có những biện pháp nhằm chống thất thoát tài nguyên và lãng phí. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ có những điều chỉnh bổ sung để nâng cao công tác quản lý chặt chẽ, đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường, an toàn đô thị.
Thùy Chi