Hà Nội triển khai nhiều phương án bảo đảm vệ sinh môi trường dịp Quốc khánh
(Chinhphu.vn) - Hướng tới lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh 2/9, TP. Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều phương án vệ sinh môi trường, huy động tổng lực các ngành, đơn vị và người dân cùng chung tay hành động.

TP. Hà Nội huy động tổng lực về nhân lực và phương tiện, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường được thực hiện liên tục, hiệu quả. Ảnh minh họa
Triển khai theo lộ trình rõ ràng, bảo đảm tiến độ
Để góp phần bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh cho chuỗi hoạt động kỷ niệm, nhất là lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn vào sáng 2/9, Hà Nội đã triển khai nhiều phương án vệ sinh môi trường...
Ngay từ đầu tháng 7/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án chi tiết về việc lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh lưu động. Theo đó, dự kiến bố trí tổng cộng 612 nhà vệ sinh lưu động, đồng thời phối hợp với các quận, huyện và đơn vị sự nghiệp để huy động thêm khoảng 400 thiết bị hỗ trợ từ các trường học, bệnh viện, cơ quan công sở. Như vậy, tổng số nhà vệ sinh lưu động phục vụ dịp lễ lên đến hơn 1.000 nhằm cung cấp miễn phí dịch vụ cho người dân.
Không chỉ bảo đảm về số lượng, việc phân bố cũng được triển khai một cách khoa học và hợp lý. Tại Quảng trường Ba Đình, nơi tổ chức lễ diễu binh - diễu hành chính, thành phố sẽ bố trí 230 nhà vệ sinh tại 7 khu vực trọng điểm xung quanh khán đài, vỉa hè đường Điện Biên Phủ, khu phố Bắc Sơn, Đội Cấn, Hoàng Diệu và vườn nhãn phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hơn 200 thiết bị sẽ được đặt dọc theo tuyến đường diễu hành, cùng với 90 nhà vệ sinh tại các khu vực "thoát tuyến" như Công viên Thống Nhất, Quảng trường 19/8, sân Quần Ngựa. Ngoài ra, 14 nhà vệ sinh di động cũng sẽ được bố trí tại các điểm bắn pháo hoa như Hồ Hoàn Kiếm, Mỹ Đình, Tây Hồ, phục vụ người dân trong đêm Quốc khánh.
Để đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chia kế hoạch lắp đặt nhà vệ sinh thành hai đợt cụ thể. Đợt 1 sẽ hoàn thành trước ngày 15/8 với 398 thiết bị, trong khi đợt 2 sẽ tiếp tục hoàn thiện 214 nhà vệ sinh còn lại trước 27/8.
Song song với đó, các đơn vị phụ trách cũng cam kết bảo đảm chất lượng lắp đặt, độ an toàn, thẩm mỹ và không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan đô thị tại khu vực trung tâm.
Ông Ngô Thái Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, toàn bộ phương án bố trí đã được xây dựng và khảo sát kỹ lưỡng. "Chúng tôi đã xác định rõ các khu vực tập trung đông người, bảo đảm việc lắp đặt hợp lý, thuận tiện cho người sử dụng, không gây cản trở giao thông hay ảnh hưởng đến không gian lễ hội", ông Nam cho hay.
Huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện để bảo đảm vệ sinh môi trường
Bên cạnh việc lắp đặt nhà vệ sinh lưu động, thành phố cũng huy động tổng lực về nhân lực và phương tiện để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường được thực hiện liên tục, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết: "Chúng tôi yêu cầu các đơn vị tăng cường tối thiểu 1 công nhân vệ sinh/km trên toàn tuyến phố chính, đồng thời bố trí thêm nhân lực tại các khu vực quảng trường, tuyến diễu hành, khu vực tập kết và bắn pháo hoa".
Thành phố còn triển khai các phương tiện cơ giới chuyên dụng như xe hút bụi, xe rửa đường áp lực cao, xe thu gom chất thải khép kín, nhằm nâng cao hiệu quả làm sạch. Thời gian duy trì cao điểm được xác định từ ngày 1/8 đến hết 5/9, trong đó toàn bộ hệ thống vệ sinh được vận hành liên tục, chia ca kíp rõ ràng, bảo đảm 24/24 giờ.
Tăng cường sử dụng thiết bị cơ giới hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả làm sạch trên diện rộng. Các đơn vị sẽ huy động hàng chục xe quét hút bụi tự động, xe rửa đường áp lực cao, xe thu gom chất thải khép kín, đảm bảo làm sạch mặt đường, hè phố và khu vực xung quanh khán đài chính một cách nhanh chóng, an toàn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, hệ thống xe rửa đường sẽ được tăng cường tần suất hoạt động vào sáng sớm và chiều tối, giúp làm mát mặt đường, giảm bụi mịn và nâng cao mỹ quan đô thị.
Thời gian cao điểm thực hiện duy trì vệ sinh môi trường được xác định từ ngày 1/8 đến hết ngày 5/9, bao trùm toàn bộ giai đoạn luyện tập, tổng duyệt, lễ chính thức và sau sự kiện. Trong suốt thời gian này, các đơn vị môi trường được yêu cầu không để tồn rác quá 2 giờ tại các điểm công cộng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bổ sung vật tư, khử khuẩn tại các điểm vệ sinh lưu động để đảm bảo an toàn, văn minh.
Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch theo từng ngày, từng khu vực, bố trí nhân lực và thiết bị theo ca kíp khoa học, có phương án điều động linh hoạt theo tình huống thực tế. Mục tiêu là bảo đảm không để bất kỳ khu vực nào tồn đọng rác, mùi hay hình ảnh phản cảm trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động lớn của Thủ đô.
Những nỗ lực này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền Hà Nội trong công tác tổ chức sự kiện, mà còn khẳng định vị thế một Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, luôn đặt trải nghiệm của người dân và du khách lên hàng đầu.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng
Cùng với các giải pháp kỹ thuật và hậu cần, công tác truyền thông – vận động người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng.
Nhằm lan tỏa thông điệp "Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp", Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức không xả rác bừa bãi, giữ gìn không gian công cộng sạch đẹp trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Bên cạnh các kênh chính thống, Thành phố cũng khuyến khích phát huy vai trò của tổ dân phố, đoàn thể, trường học, tổ chức công đoàn và lực lượng thanh niên tình nguyện trong việc tuyên truyền tại chỗ, trực tiếp vận động người dân, phát tờ rơi, hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh lưu động và phối hợp giám sát vệ sinh môi trường ở các khu vực tập trung đông người.
Đáng chú ý, toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh lưu động sẽ được gắn biển hiệu nhận diện đồng bộ, dễ nhìn, dễ tìm, kết hợp với các pano, tờ rơi, mã QR hướng dẫn sử dụng. Thành phố cũng thiết kế một bộ hình ảnh nhận diện truyền thông thân thiện, hiện đại, tạo sự gần gũi với người dân và du khách, đặc biệt với đối tượng người già, trẻ nhỏ và người nước ngoài.
Có thể thấy, công tác vệ sinh môi trường phục vụ lễ diễu binh – diễu hành 2/9 tại Hà Nội đang được triển khai một cách bài bản, trách nhiệm và chuyên nghiệp. Từ việc chuẩn bị hệ thống nhà vệ sinh lưu động quy mô lớn, đến tăng cường lực lượng duy trì vệ sinh và truyền thông cộng đồng, tất cả đều thể hiện sự nỗ lực cao độ của thành phố trong việc mang đến một không gian lễ hội xanh - sạch - đẹp - văn minh.
Thùy Chi