Hà Nội triển khai quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP. Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt, giúp UBND Thành phố giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ngành và quận, huyện.
Chiều 24/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND, Đề án, Quyết định của UBND về thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP. Hà Nội.
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND ngày 24/10/2024 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trao Quyết định số 5579/QĐ-UBND ngày 23/10/2023 về việc điều động, bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, đến nhận công và giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP. Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội có thêm 1 đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của Trung ương. Trung tâm Phục vụ Hành chính công Thành phố là đơn vị hành chính đặc biệt, giúp UBND Thành phố giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ngành và quận, huyện.
Trung tâm không làm thay các đơn vị của sở, ngành. Đây là một đơn vị chưa từng có tiền lệ, là một kết quả nghiên cứu kỹ của Ban chỉ đạo Trung ương để đưa ra mô hình này trên cơ sở đúc rút các mô hình đã triển khai từ trước đến nay về hành chính.
"Chính phủ và TP. Hà Nội kỳ vọng vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của Hà Nội", Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết.
Nhiệm vụ này được thực hiện theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, trong đó có nội dung: "Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính".
Tiếp đó, Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 08/8/2024 của Chính phủ có giao: "UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024.
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở) thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhà nước về: kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền), trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Hà Nội cũng chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế và không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo UBND TP. Hà Nội, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư bảo đảm "3 tăng", "3 giảm", "3 không": Tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 01 lần, không có TTHC giải quyết trễ hạn.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBNDTP; đồng thời, chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
Trung tâm có 8 nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó có kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền) và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Đối với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã hiện đang bố trí Phó Chánh Văn phòng kiêm nhiệm Trưởng Bộ phận Một cửa, giao Trung tâm phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện bố trí các trường hợp nêu trên bảo đảm ổn định đội ngũ, ổn định hoạt động của các Chi nhánh và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm rà soát, kiện toàn, bố trí nguồn nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; chủ trì giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải quyết chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp (nếu có) theo quy định hiện hành.
Gia Huy