Hà Nội: Vị thế của một đô thị trung tâm

08/10/2024 12:32 PM

(Chinhphu.vn) - Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội đã có sự chuyển mình đáng kể, nâng tầm vị thế của một đô thị trung tâm, một đại đô thị hướng tới sự phát triển bền vững.

Bài 1. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ: Chặng đường 70 năm chuyển mình và phát triển

Những dấu mốc quan trọng của công tác quy hoạch Hà Nội qua các thời kỳ

Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã mở ra thời kỳ phát triển mới của TP. Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung. Trong bối cảnh đó, Trung ương và TP. Hà Nội khẳng định cần sớm có Quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô nhanh, bền vững. Nhìn lại lịch sử, trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, TP. Hà Nội luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hà Nội: Vị thế của một đô thị trung tâm- Ảnh 1.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Ảnh: VGP/Thùy Chi

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan năm 2008 (Nghị quyết số 15/2008/QH12), đã đưa Hà Nội trở thành đô thị lớn nhất cả nước và là một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, đáp ứng đầy đủ các chức năng và vị thế của một thủ đô hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước trong quá trình hội nhập; phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng Hà Nội, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống, bảo đảm diện tích, quy mô dân số cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt và tương lai.

Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch Thủ đô là việc làm cần thiết. Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg) với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội các vùng khác trong cả nước, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư.

Phát huy truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng, với vị trí, vai trò là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước", sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Hà Nội đã triển khai nhiều Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư cũng như các quy hoạch hệ thống chuyên ngành như giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước, nhà ở...

Trên cơ sở đó, không gian đô thị được mở rộng, cảnh quan đô thị được cải thiện. Đặc biệt, quy hoạch đã có những định hướng cơ bản hợp lý, trong đó hình thành hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh và trục sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, bộ khung đô thị được phát triển kết nối tốt với các quận huyện và vùng Thủ Đô, một số huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư… Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực. Nhiều khu đô thị mới như Royal City, Time City, Vinhomes Riverside, Ecopark....đã trở thành các đô thị đáng sống. Hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên một bước; trong đó kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật… nhờ đó chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô đổi thay, văn minh, hiện đại hơn.

Ngoài ra, vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ...cũng đã được cải thiện đáng kể. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, đô thị, trật tự, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực…

Thủ đô Hà Nội: Nơi hội tụ các điều kiện để vươn mình phát triển mạnh mẽ

Chia sẻ về những cơ hội, lợi thế để phát triển Thủ đô, KTS. Trần Ngọc Chính cho biết, Hà Nội là Thủ đô có lịch sử nghìn năm tuổi và là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học và giao dịch quốc tế với các giá trị tinh hoa văn hóa, biểu tượng văn minh và văn hiến của Thủ đô, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện kế thừa, giữ vững, phát huy truyền thống, lịch sử - là nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch chung, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Nhờ đó, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại. Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Hà Nội: Vị thế của một đô thị trung tâm- Ảnh 2.

Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại. Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo Quy hoạch 1259, về mặt không gian, Hà Nội sẽ xoay quanh các cụm đô thị (urban cluster). Mô hình này bao gồm phần lõi đô thị bên cạnh các đô thị vệ tinh vừa và nhỏ, được gắn kết nhờ hệ thống đường vành đai, liên tỉnh, quốc lộ và đường sắt dày đặc. Chiến lược này được kỳ vọng đem đến cơ hội giúp tái cấu trúc đô thị, chuyển trạng thái từ một cực sang đa cực thông qua việc di dời bớt những chức năng của khu vực trung tâm như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục... sang các đô thị vệ tinh, đồng thời xây dựng thêm nhiều trung tâm mới và mở rộng giới hạn phát triển.

Bên cạnh đó, văn minh sông Hồng với trục cảnh quan sông Hồng sẽ tạo ra không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo cho đô thị trung tâm, với chức năng chính: công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí- biểu tượng của Thủ đô kết hợp bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử.

Cho ý kiến đánh giá về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, KTS. Trần Ngọc Chính cho biết, 2 quy hoạch đều đặt ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Mô hình phát triển không gian theo chùm đô thị, trong đó có các đô thị vệ tinh được giữ nguyên, nhưng tập trung định hướng phát triển 2 thành phố ở phía Bắc sông Hồng (Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) trực thuộc Thủ đô làm động lực phát triển khu vực phía Bắc và phía Tây, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; đồng thời xác định 5 trục phát triển, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm...

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành đã đem lại giá trị thiết thực, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), tạo cơ chế cho Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội có rất nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ và bền vững, tuy nhiên từ thực trạng phát triển đô thị Thủ đô hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Hà Nội vẫn đang gặp khó khăn về thể chế, hạ tầng, môi trường và các yếu tố về không gian, hạn chế trong quy hoạch, năng lực và công tác quản lý.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, mặc dù Hà Nội đã có Luật Thủ đô, tuy nhiên vẫn thiếu các quy định vượt trội về thể chế, cách tiếp cận vẫn theo kiểu top-down truyền thống, thiếu thể chế để quản lý theo quy hoạch. Thể chế, mô hình quản trị của Hà Nội chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô. Nhiều nguồn lực như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ... chưa được khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế để biến thành động lực, đột phá. Khoa học- công nghệ; y tế, nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự bền vững, giao thông và logistics vẫn còn hạn chế là những vấn đề lớn nhất của Hà Nội…

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã chủ trương ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng giao thông quá tải như hiện nay, tuy nhiên những khó khăn về mặt tài chính - kỹ thuật đang khiến một số dự án chậm tiến độ, thiếu đi tính liên kết và đồng bộ với các đầu mối giao thông sẵn có.

Trong khi, vấn đề về khai thác không gian ngầm, nhất là không gian công cộng ngầm; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)... đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu của đô thị hiện đại.

Hà Nội: Vị thế của một đô thị trung tâm- Ảnh 3.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã có những định hướng cơ bản hợp lý, trong đó hình thành hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh... - Ảnh - VGP/Thùy Chi

Ngoài ra, việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân khu vực nội đô vẫn gặp khó khăn, dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm...

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, một trong những điểm mới đáng chú ý của điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu định hướng quy mô dân số. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội. Theo số liệu thống kê dân số trung bình được cập nhật của Tổng cục Thống kê thì dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người, với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. So sánh với QHC 1259, tỉ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu nhưng quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo.

Cũng giống như nhiều đô thị khác ở châu Á trong quá trình phát triển bùng nổ, Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản, nhất là trên phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp - nơi có sự tham gia và vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp khối tư nhân, đã đưa Hà Nội lọt vào danh sách những thành phố toàn cầu. Tuy nhiên, những đô thị mới này cũng gây ra rất nhiều áp lực lên đất đai và hạ tầng…

Để giải quyết những vấn đề trên, công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra những chuyển biến tích cực về diện mạo Thủ đô theo yêu cầu đô thị xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại, đòi hỏi quy hoạch Hà Nội phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới để Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, khẳng định vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Thùy Chi

Top