Hà Nội xác định các giải pháp để dứt điểm tồn tại về phòng cháy, chữa cháy
(Chinhphu.vn) - Các nhóm giải pháp để giải quyết dứt điểm tồn tại về phòng cháy, chữa cháy đang được TP. Hà Nội đặt ra, bao gồm cả quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, trật tự xây dựng, đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và nâng cao năng lực của lực lượng tại chỗ…
Dự kiến trong kỳ họp HĐND TP. Hà Nội cuối năm, HĐND Thành phố sẽ xem xét tờ trình của UBND về Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cháy, nổ diễn biến phức tạp, PCCC nhiều thách thức
Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, dân số thường xuyên sinh sống và tạm trú tại Thủ đô khoảng 10 triệu người, mật độ dân cư đông đúc, đặc biệt tập trung tại các quận nội thành, thành phần kinh tế xã hội đa dạng.
Hà Nội hiện có trên 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có trên 8.260 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 01 cảng hàng không quốc tế, 08 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thủ đô không ngừng gia tăng; nhu cầu về phương tiện, nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất lớn, khó kiểm soát; các công trình nhà chung cư, cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người, những công trình công nghiệp, kho, xưởng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, tiềm ẩn cao nguy cơ về cháy, nổ.
Những đặc điểm nêu trên là lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng là những thách thức trong công tác PCCC của Thủ đô.
Trong khi đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.
Thống kê trong 10 năm qua, UBND TP. Hà Nội cho biết, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. Trong số 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác xảy ra trong 10 năm qua (2013-2023) có 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, và 32 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung số nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người.
Thiệt hại về người và tài sản qua các vụ cháy vẫn ở mức cao (202 người chết, 271 người bị thương). Số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm số lượng không nhiều (3,2%) nhưng gây mức độ thiệt hại rất lớn, cả về người và tài sản. Đáng chú ý, trong số các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, có những vụ xảy ra tại loại hình không thuộc diện quản lý về PCCC.
Thống kê trong 10 năm (2013 - 2023), lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Thành phố nhận tổng cộng trên 1.280 tin và tổ chức cứu, hướng dẫn thoát nạn cho hơn 1.000 người.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều vụ việc, lực lượng Cảnh sát PCCC gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để tổ chức giải cứu nạn nhân, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành chưa phát huy được hết vai trò, năng lực trong công tác cứu nạn cứu hộ.
4 nhóm giải pháp để giải quyết dứt điểm tồn tại về PCCC
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Đề án được UBND Thành phố xây dựng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc về công tác này trên địa bàn.
Đề án này sẽ xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Thành phố bảo đảm về mạng lưới trụ sở, doanh trại, cơ cấu biên chế, lực lượng và trang thiết bị, phương tiện; hoạt động ổn định, chất lượng, hiệu quả; đồng thời bảo đảm theo phương châm "Lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại".
Nâng cao nhận thức, ý thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị các cấp, người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC; phát huy năng lực, hiệu quả của lực lượng tại chỗ.
Đề án này cũng gắn liền quy hoạch và phát triển hạ tầng PCCC (giao thông; nguồn nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống mạng lưới trụ sở về PCCC) với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để phát sinh các công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất dẫn đến vi phạm, đồng thời từng bước xử lý kéo giảm số công trình vi phạm đang còn tồn tại.
Nhóm giải pháp thứ nhất được Đề án xác định là tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH, với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Nhiệm vụ đối với các khu dân cư; nhiệm vụ đối với các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội. Quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng này; tăng cường quân số, biên chế; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện.
Nhóm giải pháp thứ ba là đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: hệ thống giao thông phục vụ PCCC; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc.
Nhóm giải pháp thứ tư là kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ như lực lượng dân phòng; lực lượng ở cơ sở; chuyên ngành; các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC.
Gia Huy