Hà Nội xác định nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong doanh nghiệp

27/05/2025 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội xác định nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong đó có việc tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ; phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Hà Nội xác định nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong doanh nghiệp- Ảnh 1.

UBND TP. Hà Nội chỉ đạo lãnh đạo doanh nghiệp cần tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành - Ảnh: VGP

Đây là một trong những chỉ đạo UBND TP. Hà Nội mới đưa ra chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số.

Trong Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng đã nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo để tăng năng năng suất lao động; vừa phát triển chính doanh nghiệp, vừa góp phần quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính

Triển khai Kết luận này theo Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số.

Các giải pháp được chỉ đạo là: Hoàn thiện các quy trình, quy định theo chuyển đổi số chung của cả nước và của từng doanh nghiệp; số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Xây dựng, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo; tập trung phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển hạ tầng số của cả nước; xây dựng sản phẩm, dịch vụ số của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành; chú trọng an toàn, bền vững trong chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực số; tập trung chuyển đổi số, tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới góp phần tiết giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội cũng được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Về xuất khẩu cần chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường trong bối cảnh xuất khẩu được nhìn nhận đang gặp nhiều khó khăn. Củng cố các thị trường truyền thống, tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới phát triển thị trường bền vững, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Về đầu tư, tiếp tục chủ động tăng cường, đẩy nhanh các dự án đầu tư, đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn ICOR; về tiêu dùng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở rộng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và áp dụng quản trị thông minh; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Các Sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện hoặc tham mưu UBND Thành phố thường xuyên rà soát, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ; tập trung phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo từ đó cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tập trung giải ngân đầu tư công.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Thời gian qua, nhận thức chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động và đáp ứng nhu cầu thị trường, Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đến các tập đoàn lớn.

Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030, với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Trong đó, doanh nghiệp được xem là "xương sống" của quá trình này. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm thương mại điện tử, sản xuất thông minh, quản trị doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.

Chính quyền thành phố đã phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, để triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số. Ngoài ra, Hà Nội cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây (Cloud Computing) để tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số" cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, giảm giá phần mềm, và tư vấn kỹ thuật để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các giải pháp số.

Ví dụ, các doanh nghiệp SMEs được tiếp cận các nền tảng quản lý khách hàng (CRM), phần mềm kế toán điện tử, và các công cụ thương mại điện tử như sàn giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, các khu công nghệ cao như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được khuyến khích trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Gia Huy

Top