Hà Nội: Xây dựng chỉ thị về PCCC tập trung vào các vấn đề cấp bách

09/08/2023 1:25 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội có đặc thù "ngõ nhỏ, phố nhỏ", do đó, cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác PCCC, Công an Thành phố cần tham mưu UBND Thành phố ban hành Chỉ thị về PCCC tập trung vào các vấn đề cấp bách: Sử dụng điện, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Hà Nội: Xây dựng chỉ thị về PCCC tập trung vào các vấn đề cấp bách - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả PCCC - Ảnh: VGP/GH

Nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn Hà Nội được nêu tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Hà Nội năm 2023 tổ chức sáng nay (9/8). Hội nghị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì; tham dự có, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công, các sở, ngành của TP. Hà Nội…

Trên 100.000 hộ dân mở "lối thoát nạn thứ 2"

Theo Công an TP. Hà Nội, trong thời gian vừa qua, Thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế, giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ 2022. Hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.

Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7) đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Thành phố đã vận động, hướng dẫn đến trên 108.000 đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh và tính đến nay đã có trên 102.000 đạt 94,1% hộ mở "lối thoát nạn thứ 2".

Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã vận động và có 1.496.239/1.628.346 hộ, đạt 91,3% đã mở "lối thoát nạn thứ 2".

Đã có trên 620.900 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay (trong đó có trên 512.000 nhà chỉ để ở và trên 108.400 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy.

Đến nay, 30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập trên 5.300 Đội dân phòng tại trên 5.300 thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố (đạt 100%); các đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định. Đội dân phòng đã được trang bị phương tiện PCCC theo quy định. Một số đơn vị đã quan tâm đầu tư, trang bị máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy cho lực lượng dân phòng để phù hợp với điều kiện thực tế như huyện: Thạch Thất, Hoài Đức.

Trên địa bàn Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 3.164/3.164 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 11.422/11.422 điểm chữa cháy công cộng (đạt 100% chỉ tiêu đã đăng ký)… Đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường xã thị trấn. Phấn đấu hết quý III/2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, Công an Thành phố đã nhận diện một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Tình hình cháy, nổ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, cháy tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất vẫn xảy ra. Kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị PCCC tại một số hộ gia đình tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC còn hạn chế...

Còn một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh (đặc biệt các gia đình có nhà trên các tuyến phố) mặc dù đã cử người tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC tuy nhiên thực tế không thường xuyên có mặt tại nhà ở (cho thuê kinh doanh, giao cho nhân viên bán hàng...).

Với đặc thù địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều ngõ, ngách nhỏ, sâu do đó số lượng Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng phải xây dựng, thành lập rất lớn (theo thống kê số lượng điểm chữa cháy công cộng chiếm khoảng 30% so với chỉ tiêu đăng ký của cả nước), trong khi nguồn kinh phí để trang bị, lắp đặt phương tiện PCCC tại các điểm chữa cháy công cộng, vận động các gia đình của một số địa bàn còn hạn chế, chưa bố trí được nguồn kinh phí phù hợp, dẫn đến còn một số tiêu chí chưa đảm bảo theo tiêu chí của Bộ Công an.

Cháy nổ giảm nhưng còn nhiều vụ cháy nghiêm trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương quan trọng trong công tác PCCC. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ cháy, thiệt hại do cháy, Công an Thành phố đã phát huy được vai trò trong công tác PCCC…

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại và hạn chế. Mặc dù tình hình cháy nổ đã giảm về các tiêu chí, song, vẫn còn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, các công trình chưa nghiệm thu PCCC, chưa đạt tiêu chí PCCC, công trình vi phạm hành lang PCCC, vi phạm lưới điện còn cao. Công tác liên ngành PCCC vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chất lượng mô hình Tổ liên gia chưa thực chất, chưa phát huy hiệu quả; các địa phương chưa thực sự vào cuộc…

Từ những hạn chế trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Thành phố tiếp tục thống nhất đúng và đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về PCCC và cứu nạn cứu hộ với phương châm đặt an ninh con người lên trên hết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, Hà Nội có đặc thù "ngõ nhỏ, phố nhỏ", do đó, cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác PCCC phù hợp với thực tế. Tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong PCCC, trong đó đề cao vai trò của người dân (từ lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân)…

Xây dựng Chỉ thị của UBND Thành phố về phòng cháy, chữa cháy

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, hội nghị đã nhận diện thực trạng, khó khăn trong công tác PCCC tại địa bàn Hà Nội để từ đó nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực PCCC.

Phó Chủ tịch Thường trực cho biết Thành phố tiếp thu đầy đủ ý kiến của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an để khẩn trương kịp thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng triển khai các kế hoạch theo các nhiệm vụ, giải pháp đồng chí nêu tại hội nghị.

Nhận định về hạn chế, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố còn tồn tại, hạn chế, đó là có nơi còn khoán trắng cho lực lượng Công an, cho chính quyền, lơ là trong công tác PCCC, đây là nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị Công an Thành phố cần tham mưu, kết hợp Chỉ thị của Thành ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ để kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra vi phạm PCCC.

Về chỉ đạo tăng cường 4 tại chỗ của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã rà soát theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và các quy định của Bộ Công an, từ đó rà soát các tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị phải đầy đủ. Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc vận hành các tổ nêu trên phải thực sự thực chất, tránh hình thức.

Đối với việc nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để bảo đảm 100% có bình chữa cháy và được tập huấn PCCC, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền theo kế hoạch đã được giao. Về xử lý công trình vi phạm, đề nghị HĐND tăng cường giám sát, tăng cường chất vấn; các quận huyện thị xã báo cáo khó khăn, vướng mắc báo cáo về HĐND trong các cuộc làm việc này để báo cáo Ban cán sự UBND Thành phố.

Ngoài ra, Công an Thành phố chủ động tham mưu Thành phố ban hành Chỉ thị tập trung vào các vấn đề cấp bách: Sử dụng điện, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh...; xây dựng đề án nâng cao năng lực tổng thể về PCCC của Công an Thành phố.

Gia Huy

Top