Hai chữ ‘hàn’ hay ‘nhiệt’ quyết định phương pháp điều trị COVID-19

05/03/2022 9:30 AM

(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ điều trị COVID-19, trong y học cổ truyền sẽ tùy thuộc vào thể bệnh là “hàn thấp” hay “phong nhiệt” cũng như giai đoạn bệnh để có các phương pháp, bài thuốc thích hợp điều trị, kết hợp bồi bổ chính khí (nâng cao thể trạng).

Hai chữ ‘hàn’ hay ‘nhiệt’ quyết định phương pháp điều trị COVID-19  - Ảnh 1.

Ths.BS Hoàng Vũ Long thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Từng tham gia tư vấn, hỗ trợ điều trị tại Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại TPHCM trước kia và cả ở Hà Nội hiện nay, Ths.BS Hoàng Vũ Long, phụ trách chuyên môn Phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết: COVID- 19 thuộc phạm vi "Ôn bệnh" hay "Phế dịch" đã được nhắc tới nhiều lần trong y văn Y học cổ truyền. Dịch bệnh sinh ra tùy thuộc vào môi trường khí hậu đang lưu hành đã tạo ra nguồn ngoại tà xâm phạm cơ thể, cụ thể nổi trội các đợt dịch ở đây là "phong nhiệt" và "hàn thấp".

Thực tế cho thấy, tùy thời điểm bùng phát dịch bệnh, vị trí địa lí mà người bệnh có những biểu hiện "hàn", "nhiệt" khác nhau. Như trong đợt dịch đầu tiên ở phía Bắc, hay tại thời điểm hiện tại xảy ra tại thời điểm giao mùa Đông Xuân, lạnh kết hợp nồm ẩm nên đa số người bệnh có biểu hiện "hàn và thấp": Sốt cao rét, run ớn lạnh, đau đầu, đau mỏi người, tê bì mỏi mệt, đờm phần lớn là trắng loãng... Trong đợt dịch cao điểm tại TPHCM xảy ra tại khu vực nóng, mùa mưa nên đa số người bệnh có biểu hiện "nhiệt và phong": Sốt nhẹ hoặc cao kèm đau họng, khàn tiếng, miệng khát, đờm vàng, lưỡi hồng đỏ...

Tại thời điểm hiện tại dịch miền Bắc xuất hiện cả hai nguồn bệnh nhân mang triệu chứng hàn nhiệt. Nguyên nhân có thể là do sự đi lại đã thuận tiện nên người bệnh đã nhiễm "phong nhiệt" khu vực phía Nam khi đi du lịch hoặc công tác… đã ủ bệnh, đến khi trở về phát bệnh và lây cho cộng đồng. Một số ý kiến trong ngành cho rằng, thể bệnh Delta chính là ngoại tà "hàn thấp", thể bệnh Omicron là "phong nhiệt" nhưng hiện chưa có nghiên cứu cụ thể.

Vì vậy tùy thuộc vào ngoại tà là "hàn thấp" hay "phong nhiệt" và giai đoạn bệnh, Y học cổ truyền sẽ có các phương pháp và bài thuốc thích hợp để điều trị, kết hợp bồi bổ chính khí (nâng cao thể trạng). Theo đó, giai đoạn bệnh nhẹ trung bình, người bệnh thuộc thể "hàn" sẽ dùng phương pháp ôn ấm trừ hàn kết hợp bồi bổ chính khí, Bộ Y tế đã ban hành các bài thuốc thích hợp như: Sâm tổ ẩm, Hoắc hương chính khí tán, Nhân sâm bại độc tán. Người bệnh thuộc thể "nhiệt" sẽ dùng phương pháp thanh nhiệt trừ thấp, tuyên phế điển hình các bài: Ngân kiều tán, tang cúc ẩm, thanh ôn bại độc ẩm.

Vị thuốc có khắp ở xung quanh chúng ta

Theo bác sĩ Hoàng Vũ Long, qua các đợt tư vấn người bệnh, do điều kiện hoàn cảnh khác nhau, như đợt dịch đầu tiên TPHCM, nhiều người bệnh chưa thể tiếp cận nguồn thuốc điều trị, các vị thuốc Nam là cứu tinh giúp người bệnh vượt qua bệnh tật. Thuốc Nam là kinh nghiệm dân gian được đúc kết hàng nghìn năm của cha ông, là nguồn thuốc dễ kiếm được, dễ trồng và mọc dại quanh nhà, được nhắc đến tác phẩm kinh điển Nam dược thần hiệu thiền sư Tuệ Tĩnh. Vì vậy, việc sử dụng thuốc Nam kết hợp chẩn đoán thể "hàn nhiệt" sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19.

Điển hình như bài thuộc hạ sốt bằng các vị thuốc Nam có gừng tươi, giúp điều trị hiệu quả người mắc COVID-19 thể hàn có cảm giác sốt kèm gai rét, ớn lạnh, buồn nôn. Theo Y học cổ truyền, gừng tươi có vị cay tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, ấm vị chỉ nôn (chống nôn), ôn phế chỉ khái (chữa ho) trừ thấp. Những người bệnh giai đoạn đầu khi mắc COVID-19 thể hàn thấp thường có triệu chứng ban đầu như gai rét, ớn lạnh, buồn nôn, đau đầu sợ lạnh, hoặc sốt cao, rét run, uống thuốc hạ sốt không đỡ rét, có đờm trắng loãng, mất vị giác. Khi được hướng dẫn áp dụng lấy gừng tươi cạo vỏ, đập dập hãm cùng nước sôi ngày uống 3, 4 lần hoặc uống cho đến khi ra mồ hôi thấy các triệu chứng giảm hẳn và hết triệu chứng sau vài ngày sử dụng. Những người bệnh trong giai đoạn điều trị dùng gừng, sau khi khỏi bệnh không còn di chứng như: Ho khan, hụt hơi, đầy chướng bụng. Cho thấy dùng gừng tươi vừa có hiệu quả điều trị, vừa phòng ngừa các di chứng hụt hơi, tức ngực.

Ngoài ra còn có cây diếp cá (ngư tinh thảo) điều trị hiệu quả người mắc COVID-19 thể nhiệt đau họng, ho khan, phòng ngừa biến chứng viêm phổi. Theo Y học cổ truyền rau diếp cá có vị cay chua tính mát, thanh nhiệt giải độc lợi niệu sát trùng, tiêu ung (mụn nhọt, trĩ). Loại rau này phù hợp với người bệnh khi xuất hiện đau rát họng, sưng họng, khó nuốt ho nhiều đờm vàng, trẻ em amydan sưng to nhiệt miệng. Trong trường hợp này, người bệnh lấy khoảng 20 cây xay tươi uống nước hoặc ngậm ngày 3 – 4 lần sẽ giảm hẳn các triệu chứng đau họng, qua đó sẽ giảm triệu chứng sốt.

Thực chất cây diếp cá là loại kháng sinh thảo dược với tinh kháng khuẩn rộng, nhiều nghiên cứu cho thấy tinh dầu trong diếp cá có khả năng ức chế các loại virus như: Virus gây bệnh herpes (HSV-1), virus gây bệnh cúm, HIV chủng 1 ở người (HIV-1), các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, nấm…Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất diếp cá có khả năng ức chế một dạng giống virus SARS gây nên Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, và hiện nay diếp cá là thành phần không thể thiếu trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 lưu hành tại Trung Quốc (Liên hoa thanh ôn) hay Đài Loan (Thanh quan nhất hiệu).

Hay cây bạc hà cũng có tác dụng trong hỗ trợ điều trị người mắc COVID-19 thể nhiệt ho nhiều đờm vàng, đau đầu, đau mắt đỏ, nghẹt mũi, sốt không ra mồ hôi. Theo Đông y, bạc hà có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ phong giảm đau, chỉ ho, kiện vị, chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa, giải độc, thúc ban sởi mọc. Dùng bạc hà trị ho, cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, mũi tắc, đau đầu, ít hoặc không có mồ hôi.

Trên thực nghiệm, với liều nhỏ, bạc hà có tác dụng hưng phấn, kích thích trung khu thần kinh, làm mạch máu giãn nở, thúc đẩy mồ hôi bài tiết và hạ thân nhiệt. Liều lớn sẽ kích thích tủy sống. Làm tê liệt phản xạ vận động. Còn có tác dụng trên đoạn rễ thần kinh bị tê đau và tác dụng gây tê cục bộ. Bạc hà còn có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Staphylococcus aureus, Bacillus subtilus, Pseudomonas aeruginosa, micrococcusglutamicus, Diplococcus pneumonie, Escherichia coli, Salmonella Typhy, Shigella. flexneri… và một số vi nấm như: Aspergillus fumigatus, A niger, Cadida albicans.

Bên cạnh đó, các vị thuốc Nam còn góp phần hỗ trợ kháng virus. Trong 70 cây thuốc Nam đang được Bộ Y tế hướng dẫn bảo tồn tại các trạm y tế, có nhiều loại cây có đặc tính kháng nhiều loại virus như: Kim ngân hoa, bạch hoa xà thiệt thảo, cà gai leo, nhân trần, cam thảo đất…. do tính chất hàn lạnh nên cần có bác sỹ y học cổ truyền chỉ định điều trị, tăng cao hiệu quả phòng và điều trị bệnh COVID-19.

Ngoài các vị thuốc trên, trong y học cổ truyền còn điều trị các triệu chứng và di chứng COVID-19 bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Qua quá trình điều trị phối hợp day các huyệt toàn thân, giúp người bệnh giảm nhẹ hoặc điều trị các triệu chứng cũng như phòng ngừa các di chứng COVID-19. Điển hình như: Bấm huyệt hạ sốt, đau đầu. Trường hợp người bệnh khi uống thuốc hạ sốt đáp ứng thấp, chưa đủ thời gian để uống lượt hạ sốt tiếp theo mà nhiệt độ đã tăng cao, người bệnh có thể bấm huyệt hỗ trợ hạ sốt. Hay cách bấm huyệt chữa mất ngủ, căng thẳng sẽ áp dụng cho người bệnh bị tăng huyết áp, mất ngủ, đau đầu, hướng dẫn  day tròn thuận chiều kim đồng hồ 300 lần các huyệt lao cung, nội quan.

Thiện Tâm

Top