Hàng rong cạnh trường học-Còn nhiều nỗi lo ngại

18/05/2023 6:42 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng bán đồ ăn trước cổng trường học, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an ninh trật tự của khu vực. Đáng lo ngại là những quầy ăn di động này thường xuyên di chuyển nên rất khó khăn cho việc kiểm soát, kiểm tra.

Hàng rong cạnh trường học- Còn nhiều nỗi lo ngại - Ảnh 1.

Quầy hàng rong di động bày bán trước cổng một trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: VGP/TT.

Theo khảo sát của phóng viên, thường vào đầu giờ sáng, cuối giờ trưa tan học hay vào cuối giờ chiều, phía ngoài cổng trường hoặc ngay cạnh trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm… có rất nhiều quầy hàng rong bán đồ ăn sẵn, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán khá phổ biến và thu hút học sinh. Các thực phẩm rất phong phú, đa dạng như thịt xiên nướng, xúc xích, cá viên chiên, kẹo bông, các loại bánh, ngô, khoai…

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hiệp là phụ huynh có con đang học tại một trường cấp I trên địa bàn quận Hà Đông cho biết: Bé nhà tôi còn nhỏ nên vẫn hay đòi ăn vặt. Hằng ngày cháu vẫn ăn sáng tại nhà, bữa trưa thì ăn bán trú tại trường học nên gia đình cũng rất yên tâm về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể của nhà trường. Tuy nhiên, do ngoài cổng trường bày bán rất nhiều đồ ăn vật, có màu sắc hấp dẫn… nên cháu rất hay đòi mua để ăn. 

"Bản thân tôi cũng biết những thực phẩm ngoài cổng trường rất khó kiểm soát vì có nguồn gốc trôi nổi, không xuất xứ nhưng đôi khi vì chiều lòng con trẻ nên thi thoảng tôi cũng vẫn mua cho cháu", anh Hiệp nói.

Tại "thiên đường đồ ăn vặt" khu vực cạnh trường học cấp I và cấp II Nghĩa Tân quận Cầu Giấy, do đặc thù gần chợ và là khu đông dân cư, đông học sinh nên ở đây có rất nhiều quầy hàng ăn di động-một cách thức phù hợp để các chủ hàng "linh động" bày bán và di chuyển. Cũng do đặc thù của khu vực nên học sinh mỗi giờ tan tầm là ra ngay các quầy hàng để "giải quyết cơn đói".

Bạn Phương, học sinh trường THCS Nghĩa Tân cho biết, hằng ngày em được bố mẹ cho 15.000- 20.000 đồng tiền ăn sáng hoặc để tiêu vặt nhưng em chỉ mua một nửa số đó hoặc có khi nhịn ăn để dành tiền cuối giờ học ra quầy hàng rong cạnh cổng trường để mua thịt xiên, cá viên chiên... Phương còn nói vui rằng đó là "xiên bẩn" không thể thiếu của học sinh chúng em.

Một chủ quầy hàng rong cạnh trường Tiểu học- THCS Nghĩa Tân cho biết, tôi vẫn thường bán xúc xích, thịt xiên… cho học sinh, nhất là mỗi giờ tan học các cháu ra ăn rất đông nên thu nhập của tôi cũng "khá".  

Khi được hỏi thêm về nguồn thực phẩm được lấy ở đâu thì chủ quầy hàng không chia sẻ, chỉ nói rằng lấy từ chỗ "người quen"!?

Chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, chị Hằng, Trưởng Ban phụ huynh một trường Tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết: Hằng tháng tôi và các phụ huynh của các lớp khác tại trường vẫn thường xuyên thay ca nhau để phối hợp cùng với nhà trường kiểm tra thực phẩm, đồ ăn… được giao nhận đến trường để phục vụ các suất ăn cho giáo viên và học sinh. 

Chị Hằng cho biết, việc bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại trường học được kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, sơ chế… đến khi thành thành phẩm trên bàn ăn của học sinh. Chính vì vậy cha mẹ học sinh rất yên tâm cho trẻ ăn bán trú tại trường. 

Tuy nhiên theo chị Hằng, vấn đề bảo đảm thực phẩm tại các hàng quán bán rong cạnh trường học là điều mà các phụ huynh và nhà trường rất nhức nhối, do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Nhất là các em học sinh cấp I vẫn còn non nớt về đường tiêu hóa và đang trong thời kỳ phát triển thể chất, trí tuệ. Khi tiêu thụ một lượng thường xuyên các thực phẩm không rõ nguồn gốc vào cơ thể thì sự phá hủy chức năng, sức khỏe của trẻ là điều không ai có thể lường trước. 

"Chính vì vậy, trong mỗi kỳ họp ban phụ huynh của lớp, của trường… tôi và các thầy cô vẫn luôn tuyên truyền, lồng ghép vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho con em mình, nhất là không nên ăn những thực phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ ngay tại cổng trường học", chị Hằng cho biết.

Theo Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... 

Nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy, các hàng bán rong nơi cổng trường vẫn chưa biết hoặc "thờ ơ", không thực hiện theo quy định. Thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở, hay tịch thu, xử phạt… nhưng do tính chất đặc thù "thường xuyên di chuyển", lực lượng quản lý dưới cơ sở vẫn còn mỏng nên đã gây không ít khó khăn, hạn chế cho việc thực hiện kiểm tra, xử lý.

Điều quan trọng hơn hết vẫn là việc tự nâng cao ý thức của các bậc phu huynh và học sinh, nhà trường cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các em về những kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc đưa vào nội quy, quy định của nhà trường không cho học sinh mua, mang đồ ăn vào trường học. Nếu vi phạm nhà trường cũng sẽ cần có biện pháp xử lý để triệt, tất cả nhằm mục đích bảo vệ cho sức khỏe của học sinh.

TT

Top