Hậu COVID-19: Bệnh nhân nên thăm khám, điều trị kịp thời

23/03/2022 2:40 PM

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của COVID-19, sau khi khỏi bệnh nhiều bệnh nhân bị mất ngủ, choáng váng, mất tinh thần kéo dài… Trước tình trạng này, người dân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám điều trị kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Hậu COVID-19: Bệnh nhân nên thăm khám, điều trị kịp thời - Ảnh 1.

Người bệnh đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tràn lan thông tin chữa hậu COVID-19 trên mạng

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Vân (32 tuổi, ở huyện Mỹ Đức) cho biết, chị bị COVID-19 từ giữa tháng 2/2022, sau hơn một tuần tự cách ly và điều trị tại nhà đã âm tính nhưng sức khỏe không được như trước đây. 

Lúc mắc bệnh chị Vân chỉ có triệu chứng nhẹ, ho và sốt hai hôm đầu. Nhưng sau khi vạch T mờ dần chị bắt đầu rơi vào trạng thái khó ngủ. Mỗi đêm chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng, thậm chí có nhiều đêm còn phải thức trắng, không thể chợp mắt. Tâm trạng luôn bồn chồn, lo lắng.

Tình trạng này kéo dài gần 3 tuần, khiến chị Vân luôn trong trạng thái uể oải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như công việc. Nhất là gây ảnh hưởng đến việc đi lại mỗi khi đi ra đường khi đầu óc ở trong tình trạng "lơ lửng", choáng váng và không thể tập trung điều khiển xe máy. Không chỉ riêng mình chị Vân, mà rất nhiều người bạn của chị cũng rơi vào tình trạng này sau khi mắc COVID-19.

Theo chị Vân, có thể khi mắc COVID-19 các triệu chứng sẽ không nhiều nhưng ảnh hưởng sau đó rất nghiêm trọng. Tất nhiên tình trạng này tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Nhưng chị Vân khuyến cáo, mọi người không nên chủ quan với COVID-19. Kể cả những người trước đây rất khỏe mạnh, nhưng vẫn phải đối diện với di chứng COVID-19 kéo dài.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự như chị Vân, anh Nguyễn Xuân Dũng (47 tuổi, ở quận Cầu Giấy) cho biết, anh bị mắc COVID-19 vào cuối tháng 2/2022. Mặc dù không có biểu hiện gì nhưng phải gần 20 ngày sau mới về âm tính với SARS- CoV-2. 

Sau đó anh Dũng luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, mất tinh thần hay xuất hiện lo âu và suy nghĩ viển vông, người như "không còn sức sống". Anh Dũng cũng rơi vào tình trạng mất ngủ, trằn trọc không thể yên giấc, thường xuyên mơ mộng lung tung. Cùng với đó là tình trạng rụng tóc kéo dài.

Trước tình trạng hậu COVID-19, nhiều bệnh nhân đã tự tìm hiểu các bài thuốc, phương pháp chữa trị trên mạng xã hội thay vì đến phòng khám để có kết quả  chuẩn xác và điều trị kịp thời.

Chị Lê Hồng Nhung (38 tuổi, tại Hà Đông) cho biết, sau khi khỏi COVID-19 hơn một tháng nhưng chị vẫn khó thở, ho khan. Chị được bạn bè "mách" lên mạng tra từ khóa "Hậu COVID-19" sẽ có rất nhiều bài viết chia sẻ, hướng dẫn cách chữa. 

Từ trên Facebook đến các hội nhóm… xuất hiện nhiều lời mời chào hấp dẫn. Tất cả các loại thuốc từ Đông y, Tây y, thực phẩm chức năng, thuốc bổ,… đều đủ cả. Chị Nhung khá choáng ngợp và như rơi vào "ma trận" của các bài thuốc đông-tây, kim-cổ, thuốc nội-thuốc ngoại. 

Tuy nhiên, những bài thuốc này là đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhưng là người đã từng mua thuốc "theo cảm tính", không tuân theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ nên lần này chị quyết định không mua thuốc mà đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện gần nhà. 

Chị được bác sĩ yêu cầu ăn uống nghỉ ngơi, bảo đảm dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng và tập thể, kết hợp uống thuốc trị ho. Đồng thời thực hiện tốt 5K để tránh bị tái nhiễm và bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như gia đình. 

Bác sĩ cũng dặn dò nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất. Vì vậy chị Nhung cũng cảm thấy an tâm mà không bị "tiền mất tật mang". 

Ngoài ra chị Nhung cũng khuyên mọi người không nên đọc những tin tức tiêu cực hay lo lắng quá nhiều. Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tích cực…

Không tự ý dùng thuốc chữa hậu COVID-19

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến các bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi đã khỏi bệnh, Ths. BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện có phòng khám Hậu COVID-19, thời gian qua có rất nhiều bệnh nhân đến khám. 

Đối tượng khám bệnh chủ yếu là người già, triệu chứng phổ biến thường là khó thở, hụt hơi, giảm thể lực, mất ngủ, khó tập trung, rối loạn tiêu hóa. 

Trước thông tin chữa COVID-19 cũng như chữa hậu COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc. Bất cứ loại thuốc nào người bệnh cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ. 

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống thuốc kháng virus có thể phòng được di chứng hậu COVID-19. Nếu có bất thường hậu COVID-19, người bệnh nên đi khám sớm để phát hiện và nên sử dụng các loại thuốc chính thống, được bác sĩ kê đơn, chỉ định và tránh những nguy hiểm không đáng có.

Hậu COVID-19: Bệnh nhân nên thăm khám, điều trị kịp thời - Ảnh 3.

Khu vực khám hậu COVID-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, có nhiều F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng có những biểu hiện lo lắng, bồn chồn, khó ngủ và mệt mỏi sau khi khỏi bệnh. Hay nhiều người gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, choáng váng…; kém tập trung, hay quên; hồi hộp từng cơn đi kèm tình trạng bị nghẹn, khó thở, trào ngược dạ dày. 

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là tình trạng hậu quả viêm toàn thân do COVID-19 gây ra sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19. Tình trạng này có thể xảy ra vài tuần hay cả tháng.

Bác sĩ Hoàng cho biết một số triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật gồm: Thứ nhất: Cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ thường thấy ở các bệnh nhân mắc COVID-19. Sau khi âm tính, việc dễ xúc động ngay cả trong những trường hợp không quá đặc biệt cũng xảy ra.

Thứ hai: Nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin và đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém.

Thứ ba: Dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Thậm chí nhiều trường hợp có cảm giác run tay, bủn rủn chân tay và hết sau một thời gian ngắn.

Thứ tư: Chân, tay lạnh nhưng đổ mồ hôi trộm. Nhiều trường hợp đêm ngủ ướt hết phần lưng. Một số bệnh nhân nữ thậm chí ướt toàn bộ phần ngực.

Thứ năm: Một số người có triệu chứng hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, thổn thức, thi thoảng nhói ở tim, nuốt nghẹn, khó thở. Các vấn đề này đều liên quan tình trạng rối loạn co bóp của cơ tim và co thắt phế quản.

Thứ sáu: Trào ngược dạ dày thực quản hay rối loạn co thắt đại tràng. Tình trạng này thường trở nên rõ ràng hơn với những người đã gặp từ trước. 

Cuối cùng là nhiều phụ nữ sau khi khỏi COVID-19 gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu đi do thiếu hoặc rối loạn hormone. Việc rối loạn kinh nguyệt có thể khiến chu kỳ kéo dài, ngắn hơn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.

Vì vậy, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi có những biến chứng y khoa nhất định có thể phát sinh trong quá trình phục hồi COVID-19 mà cần sự thăm khám y tế khẩn cấp, việc quan trọng là cần liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng "báo động đỏ" nào.

Một số triệu chứng "báo động đỏ" như: Khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng không cải thiện khi thay đổi bất kỳ tư thế nào để làm giảm triệu chứng khó thở; Thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật kiểm soát đường thở; Đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực; Tình trạng lẫn lộn ngày càng tệ đi hoặc cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói; Cảm thấy yếu trên mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng tệ đi, hay bạn có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.

Thiện Tâm

Top