Hiến máu: Giúp mình, giúp người

13/09/2022 10:05 AM

(Chinhphu.vn) - Hiến máu nhân đạo đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều bạn trẻ trên địa bàn TP. Hà Nội. Có dịp đến với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương mới thấy rõ ý nghĩa của sự cho đi vô điều kiện đầy ấm áp…

Hiến máu: Giúp mình, giúp người	 - Ảnh 1.

Hiến máu nhân đạo, một hành động thể hiện sự chia sẻ của những người khỏe mạnh và giúp đỡ những người bệnh đang cần máu để điều trị cũng như duy trì sự sống. Ảnh: VGP

 

Lan tỏa sự sẻ chia

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ và người dân Thủ đô để chia sẻ tình cảm và lòng nhân ái với những số phận và hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Bắt gặp một nhóm các anh chị ở ngưỡng 40 tuổi mang trên mình màu áo đồng phục của Hội khóa trường PTTH Lê Quý Đôn, Hà Đông sau hơn 20 năm gặp lại nhau nhưng lại hẹn nhau ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, anh Phạm Ngọc Tú (Kim Mã, Hà Nội) cho biết: "Nhóm chúng tôi hôm nay có hơn chục bạn cùng khóa rủ nhau đi hiến máu. Đây là hoạt động chúng tôi đã thực hiện được nhiều lần. Những cuộc hẹn như thế này thực sự ý nghĩa. Cũng là cách để bạn bè quan tâm đến sức khỏe của nhau và của cộng đồng".

Anh Bùi Hữu Thắng (Mỗ Lao, Hà Đông) cũng chia sẻ câu chuyện khá đặc biệt sau khi hiến máu. "Đây là lần thứ hai mình hiến máu, lần đầu mình hơi bị choáng và được chăm sóc y tế. Lần đó bác sỹ cũng nói có thể cơ thể chưa quen việc cho lượng máu đi như thế nên vậy, vì khám mình hoàn toàn khỏe mạnh nên mình quyết tâm lần này vượt qua nỗi sợ của bản thân và cùng bạn bè thực hiện hiến máu". Anh Thắng có nói: "Không có đau đớn sao có hạnh phúc tột cùng". Khi bạn chịu đau đớn hãy nghĩ đến niềm vui, của người bệnh và niềm hạnh phúc của người nhà bệnh nhân được cứu sống bằng giọt máu của bạn".

Không chỉ những nhóm bạn như các anh chị cựu học sinh trưởng PTTH Lê Quý Đôn mà rất nhiều những tình nguyện viên khác trên địa bàn TP. Hà Nội đã chung tay vào hoạt động nhân đạo này. Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết mỗi ngày đều tiếp nhận được 1.000-1.200 đơn vị máu, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho 180 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố.

Hiến máu nhân đạo, một hành động thể hiện sự chia sẻ của những người khỏe mạnh và giúp đỡ những người bệnh đang cần máu để điều trị cũng như duy trì sự sống. Tất cả chúng ta, người có sức khoẻ bình thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không hề ảnh hưởng đến sức khoẻ. Điều này đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học và thực tiễn. Người hiến máu ở độ tuổi nữ từ 18 - 55 và nam từ 18 - 60, Cân nặng > 45kg. Một năm hiến máu tối đa từ 3 - 4 lần cách nau 3 – 4 tháng. Không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu.

Hiến máu: Giúp mình, giúp người	 - Ảnh 2.

Nhóm bạn cựu học sinh trường PTTH Lê Quý Đôn, Hà Đông cùng rủ nhau đi hiến máu tình nguyện. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Cứu người là cứu mình

Việc hiến máu ngoài mang lại ý nghĩa với cộng đồng thì với bản thân người cho máu cũng có lợi ích rất nhiều. Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới.

Sau hiến máu các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó khi hiến máu việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Ngoài ra các kích tố của một số cơ quan nội tiết, tiết ra để kích thích tạo tế bào máu còn tạo cho việc chuyển hoá của cơ thể tốt hơn sau khi hiến máu.

Một lợi ích khá thiết thực khác của việc hiến máu đó mà mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra sơ bộ về sức khỏe thông qua: Khám, đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ….. và được sang lọc trước khi hiến máu.

Sau khi tiếp nhận, máu được làm 5 xét nghiệm : Nhóm máu, Viêm gan B, Viêm gan C, HIV và Giang mai. Như vậy, mỗi lần hiến máu là một lần được kiểm tra sức khỏe, giúp cảnh báo và phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe để có biện pháp kịp thời. Đồng thời, với người hiến máu nhiều lần, việc hiến máu sẽ giúp họ tự giám sát sức khỏe của mình.

Theo thông tin của Việt Huyết học và Truyền máu Trung ương, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu sử dụng máu nhóm O tại nhiều bệnh viện tăng cao, khiến lượng máu dự trữ nhóm O giảm hẳn.

TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: "Khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O nên số lượng người bệnh cần truyền máu nhóm này luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Tỷ lệ dự trữ an toàn với máu nhóm O cần đạt khoảng 50% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị".

Vậy nên nếu bạn là người có nhóm máu "O" – thường được gọi là nhóm máu "chuyên cho" thì hiện đang rất nhiều người cần đến nhóm máu của bạn. Giúp người cũng là tự giúp mình, việc làm này chưa bao giờ là muộn.

Đỗ Hương

Top