Hiệu quả cao từ áp dụng mô hình mạ khay máy cấy
(Chinhphu.vn)-Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vừa góp phần làm giảm sức lao động, vừa đem lại năng suất và giá trị kinh tế cao cho các nông hộ trên địa bàn huyện Quốc Oai.
Áp dụng mô hình mạ khay máy cấy mang lại giá trị sản xuất cao-Ảnh: Thiện Tâm |
Quốc Oai là huyện nằm ở phía Tây của thủ đô Hà Nội, diện tích đất trồng lúa hàng năm khoảng 10.000 ha. Đến nay, diện tích đất trồng lúa của huyện cơ bản đã dồn ô đổi thửa, quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa bền vững. Đặc biệt việc hình thành các ô thửa lớn thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Hiện tại gần 100% diện tích đất trồng lúa đã được cơ giới hóa khâu làm đất, 90% diện tích lúa được gặt bằng máy, khâu gieo cấy mới chỉ đạt từ 2-3% tập trung ở các xã Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Tân Hòa… Mặc dù chủ trương của huyện là khuyến khích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy được áp dụng từ năm 2012 nhưng đến nay diện tích sử dụng mạ khay cấy máy còn rất thấp, tập trung ở các HTX ban đầu áp dụng như: Liên Thôn (xã Tuyết Nghĩa), Tân Hòa (xã Tân Hòa), Việt Yên (xã Đông Yên) và khó mở rộng ra quy mô toàn huyện. Theo lãnh đạo huyện, để có thể mở rộng được diện tích cấy lúa bằng máy thì khâu then chốt là sản xuất mạ khay.
Chính vì vậy, để khuyến khích mở rộng diện tích sử dụng mạ khay, cấy máy ra nhiều xã, giải phóng sức lao động cho người dân, giảm chi phí sản xuất và chủ động được thời vụ, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã được UBND huyện triển khai sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy hoặc cấy tay tại Trại sản xuất giống Khoai Ròi, với quy mô 15.000 khay cung ứng mạ cho các xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Tuyết Nghĩa, Tân Phú, Ngọc Mỹ, Đông Xuân, Liệp Tuyết và Yên Sơn.
Vụ mùa 2018, UBND huyện tiếp tục giao cho Trạm Khuyến nông Quốc Oai thực hiện sản xuất mạ khay gắn với cấy máy cho xã viên trên địa bàn huyện, với quy mô 17.500 khay mạ, cung ứng mạ khay cấy máy cho các xã Ngọc Mỹ, Liệp Tuyết, Yên Sơn, Đồng Quang và Nghĩa Hương.
Qua triển khai cho thấy, tổng lượng mạ khay gieo được 32.500 khay để cung cấp cho các xã Ngọc Mỹ, Đông Xuân, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Tân Hòa, Sài Sơn, Yên Sơn, Đồng Quang, Tuyết Nghĩa, Đông Yên. Tính đến nay đã có 10 trên 20 xã trên địa bàn huyện Quốc Oai biết đến mạ khay.
Qua theo dõi cho thấy mô hình sản xuất mạ khay gắn với cấy máy mang lại hiệu quả cao hơn so với gieo mạ và cấy bằng phương pháp thủ công. Nhờ gieo mạ khay nên bà con nông dân đã chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết, chủ động thời vụ, dễ chăm sóc và vận chuyển, chất lượng mạ tốt hơn với độ đồng đều, cứng cây đanh rảnh và rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa.
Đặc biệt sử dụng mạ khay để cấy máy còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm được giống, ít tốn nhân công. Mỗi sào cấy lúa bằng máy người nông dân giảm chi phí từ 100.000 đồng-150.000 đồng so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công.
Đồng thời lúa cấy bằng máy cấy nông, cấy thưa nên khả năng đẻ nhánh khỏe, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân cũng như góp phần bảo vệ môi trường, năng suất tăng hơn so với phương pháp truyền thống từ 7-10%.
Ngoài ra, việc sử dụng mạ khay để cấy máy còn giúp các HTX nông nghiệp quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, rất thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, một số hộ xã viên sử dụng mạ khay cho việc cấy bằng tay đã không ảnh hưởng đến bộ rễ giúp cho cây lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với các hộ xã viên sử dụng mạ dược, năng suất lúa tăng lên từ 3-5% và không tốn công làm mạ, nhổ mạ.
Nhìn chung, mô hình sản xuất mạ khay gắn với cấy máy đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của mô hình đề ra như việc gieo mạ khay để cung ứng cho nông dân trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
* Cuối tháng 11 vừa qua, huyện Quốc Oai đã khai trương Trung tâm mạ khay Kubota. Trung tâm được ra đời nhằm sản xuất mạ khay để cấy máy thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy. Đồng thời góp phần thực hiện một trong 19 tiêu chí của mô hình xây dựng nông thôn mới.
Thiện Tâm