Hiệu quả kinh tế từ phát triển các mô hình khuyến nông công nghệ cao

24/03/2021 2:27 PM

(Chinhphu.vn) - Qua việc triển khai mô hình khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi ha sản xuất cho bà con.

Phát triển mô hình hoa đồng tiền lùn mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ sản xuất nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu có mô hình sản xuất hoa đồng tiền lùn trồng chậu trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, quy mô 12.000 chậu, tại các huyện: Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn. Cây giống hoa đồng tiền lùn được gieo bằng hạt nhập khẩu từ Hà Lan, cây sinh trưởng phát triển tốt, đã nở hoa. Các hộ thu hoạch và bán với giá dao động từ 30.000 - 40.000đ/chậu. Về chăn nuôi, thủy sản, tiêu biểu có mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 25 ha tại 9 huyện. Mô hình cho kết quả tốt, đàn cá chép sinh trưởng phát triển tốt, đạt trung bình 1,05 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, cho năng suất trên 12 tấn/ha, lãi suất trên 90 triệu đồng/ha, cao hơn 10% so với phương pháp nuôi thông thường. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo chia sẻ của anh Lê Tiến Thành, thôn Tân Tiến, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, sau khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho đi tham quan, học tập mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của Công ty Kinoko Thanh Cao, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, qua sự tư vấn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, anh Lê Tiến Thành đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lạnh, hệ thống tưới tạo ẩm và máy trao đổi nhiệt để phát triển mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp sản xuất nấm kim châm và các loại nấm dược liệu khác. Triển khai xây dựng mô hình từ đầu năm 2019 đến nay, mỗi tháng mô hình trồng nấm của gia đình anh Thành cho thu nhập trên 8 tấn nấm, trung bình một năm cho sản lượng ước chừng trên 100 tấn nấm các loại. Việc phát triển mô hình khuyến nông sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp này mỗi năm cũng cho gia đình anh Lê Tiến Thành thu nhập trên 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người trong gia đình. Mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp triển khai tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai là một trong những mô hình khuyến nông hiệu quả mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ năm 2019 và đang được chuyển giao để nhân rộng mô hình cho người nông dân sản xuất tại các địa phương khác của Hà Nội.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong năm 2020, Trung tâm triển khai thực hiện tổng số 22 dạng mô hình, trong đó gồm: 15 dạng mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 7 dạng mô hình chăn nuôi, thủy sản. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19, diễn biến thời tiết cực đoan, nhiều mô hình vẫn đạt hiệu quả, sức lan tỏa rộng, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Mục đích việc triển khai các mô hình trình diễn khuyến nông này nhằm mục đích hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để tạo điểm tham quan, học tập mô hình cho người nông dân. Khi mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, đất đai của địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và có chính sách vay vốn ưu đãi qua nguồn quỹ khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật để cho các hộ đầu tư phát triển mô hình. Việc phát triển những mô hình khuyến nông thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm thay đổi thói quen canh tác truyền thống của người nông dân và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi ha diện tích.

Thiện Tâm

Top