Hiệu quả kinh tế từ phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao

07/02/2022 3:12 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển các mô hình thủy sản theo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh… đã nâng cao chất lượng cá thương phẩm cũng như môi trường nước, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Hiệu quả kinh tế từ phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao - Ảnh 1.

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh… đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong thời gian qua, tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn Thành phố phát triển ổn định; diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước tính 24.000 ha, cho sản lượng ước đạt 120.000 tấn thủy sản các loại.  Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 117.730 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác 1.704 tấn, giảm 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất cá giống các loại đạt 1.350 triệu con, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như làm giàu oxy bằng quạt nước trên diện tích 6.000 ha, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên 9.000 ha và sử dụng công nghệ Biofloc gần 17 ha.

Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, tạo các "sông trong ao" với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha.

Có thể thấy, các mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi khi vừa nâng cao chất lượng môi trường nước giúp giảm rủi ro dịch bệnh, đồng thời vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá thương phẩm cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Theo anh Phạm Ngọc Thanh, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, trước đây gia đình anh nuôi các loại cá truyền thống nhưng không đạt năng suất cao, mức độ tiêu thụ không nhiều. Nhưng sau khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ con giống, kỹ thuật, gia đình anh Thanh đã học cách nuôi cá lăng thương phẩm. Theo đó, sau 7 tháng phát triển, ao cá lăng đã cho thu hoạch với hơn 100 triệu đồng và có nhiều nơi đặt hàng, bảo đảm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù vậy, tình hình nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn như về hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ, thiếu nguồn vốn đầu tư... Bên cạnh đó, toàn Thành phố có hơn 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản nhưng quy mô đa phần nhỏ lẻ nên việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng chưa đa dạng, mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước là chủ yếu.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trong năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu Thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai; hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn.

Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bán cho siêu thị, cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, tiếp tục có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi. Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tập trung phát triển thủy sản tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Sóc Sơn. Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá, nhân  rộng các mô hình ao nổi, mô hình sông trong ao để tăng năng suất, sản lượng thủy sản. Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP,...; xây dựng các cơ sở sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi trồng trên địa bàn Thành phố và cung ứng cho các tỉnh bạn.

Thiện Tâm

Top